Dân Việt

Hiểu đúng về bệnh lao và nguyên tắc điều trị

Đức Vĩnh 22/11/2023 21:34 GMT+7
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng không phải tất cả mọi người nhiễm vi khuẩn lao đều phát bệnh. Ngày nay, cùng với tiến bộ của khoa học, bệnh lao đã cơ bản được khống chế, tiên lượng điều trị tốt nếu người bệnh hợp tác và tuân thủ phác đồ điều trị đến hết liệu trình.

Người bệnh lao điều trị ở đâu?

Ngay khi phát hiện ra mình có dấu hiệu nhiễm lao, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám xét cẩn thận và chẩn đoán chính xác.

Việc điều trị lao phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Điều trị lao được thực hiện ở tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện khu vực và bệnh viện tuyến Trung ương. Thuốc điều trị lao hoàn toàn được Nhà nước cấp miễn phí. Vì vậy, người bệnh lao đừng ngần ngại mà phải đi khám và điều trị ngay tức khắc. Thuốc điều trị lao là chung trên toàn quốc, phác đồ điều trị là chung trên toàn quốc. Vì vậy, người bệnh không nên quan niệm cứ phải tuyến Trung ương điều trị thì mới khỏi bệnh lao. Quan trọng hơn cả chính là ở việc điều trị có tuân thủ nguyên tắc hay là không.

Hiểu đúng về bệnh lao và nguyên tắc điều trị - Ảnh 1.

Chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai. Ảnh: HỒNG TẤM

Tuân thủ điều trị để khỏi bệnh

Trong điều trị lao, bệnh nhân lao tuyệt đối không được bỏ thuốc ngắt quãng dù chỉ 1 ngày vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại. Thường điều trị chia làm 2 đợt: Đợt tấn công thường gồm 4 thuốc và đợt duy trì thường gồm 2 thuốc. Bệnh nhân lao phải tuân thủ theo nguyên tắc điều trị lao dưới sự giám sát của nhân viên y tế. Điều trị lao đạt hiệu quả đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ 3 chữ "Đ" có nghĩa: Đúng, đủ, đều.

Đúng: Đúng phác đồ, đúng liều lượng, đúng thuốc.

Đủ: Đủ thời gian (6 hoặc 8 tháng). Tùy theo loại bệnh lao được bác sĩ chỉ định, loại bệnh mới hay tái trị mà áp dụng phác đồ và thời gian điều trị cho từng loại bệnh đó.

Đều: Bệnh nhân phải uống thuốc thật đều đặn hàng ngày, thông thường, uống vào buổi sáng lúc bụng đói. Tuy nhiên, cũng tùy vào cơ địa và tùy vào sự dung nạp thuốc của từng bệnh nhân, lúc đó bác sĩ có thể chỉ định cho uống sau ăn hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân không tự ngưng thuốc hoặc bỏ thuốc vì uống thuốc không đều đặn, lúc uống sáng, lúc tối, nhớ lúc nào uống lúc nấy... sẽ giảm hiệu quả điều trị. Vi khuẩn lao rất dễ kháng thuốc lao. Nồng độ thuốc diệt vi khuẩn lao không đủ hiệu lực sẽ tạo cho vi khuẩn lao kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị về sau. Ngoài ra còn tạo nguồn vi khuẩn lao kháng thuốc lây lan cho người thân và cho cộng đồng. Trong quá trình điều trị có thể có tác dụng phụ của thuốc lao xảy ra. Nhẹ: nổi mề đay, ngứa, mệt mỏi, đau nhức các khớp lớn (hội chứng giả gút). Nặng: sốc phản vệ, viêm gan, vàng da, đau bụng nôn ói, viêm trợt da. Nếu có những dấu hiện trên, người bệnh nên báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có hướng xử trí.