Vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn thực hiện mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm và bàn giao lợn giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học cho hội viên nông dân tại xã Đại Đồng Thành (thị xã Thuận Thành) để thực hiện dự án.
Động lực để nông dân Bắc Ninh làm giàu
Nhằm khuyến khích nông dân phát triển ngành chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phối hợp Hội ND tỉnh Bắc Ninh xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm. Tham gia mô hình này có 10 hộ hội viên nông dân xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Vừa qua, đại diện Trung ương Hội NDVN cùng Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 80 con lợn giống, hơn 16 tấn thức ăn chăn nuôi, 68kg men tiêu hóa và 30kg men xử lý môi trường cho các hộ tham gia mô hình. Tổng kinh phí dự án thực hiện mô hình 1,5 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 30%; hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình đóng góp công lao động và đối ứng 70% kinh phí.
"Được Trung ương Hội NDVN hỗ trợ lợn giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm từ mô hình, tôi rất vui. Đây là động lực rất lớn để các hộ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả, vươn lên làm giàu".
Nông dân Nguyễn Thế Núi (thôn Đồng Đông,
xã Đại Đồng Thành)
Trực tiếp đi kiểm tra và bàn giao con giống, vật tư cho các hộ nông dân thực hiện mô hình, ông Nguyễn Công Thao - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Các hộ tham gia mô hình là những hội viên được các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc khảo sát, chọn lựa bảo đảm các yêu cầu để mô hình được thực hiện đúng tiến độ và mang lại hiệu quả cao nhất. Đây đều là những hộ có kinh nghiệm trong nuôi lợn thịt thương phẩm, có chuồng trại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, diện tích phù hợp với quy mô của mô hình; cam kết đầu tư vốn đối ứng phù hợp với yêu cầu kỹ thuật; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn; theo dõi, ghi chép các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như mức thức ăn hàng ngày, tình hình phát triển của lợn, lịch phòng bệnh, theo dõi thu, chi…
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm: Trước khi trao hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học, Trung ương Hội NDVN phối hợp Hội ND tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn thực hiện mô hình. Tại lớp tập huấn, các hộ hội viên nông dân được bồi dưỡng kiến thức cơ bản về quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học như: Xây dựng chuồng nuôi, giống vật nuôi, thức ăn, quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát các tác động liên quan, tăng cường khả năng kháng bệnh cho đàn vật nuôi; ký cam kết áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong suốt quá trình thực hiện dự án; không sử dụng các kháng sinh, hormone tăng trưởng, hóa chất bảo quản và các chất cấm trong chăn nuôi.
Là một trong những hộ tham gia mô hình, ông Nguyễn Thế Núi (thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành) phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi đã chăn nuôi lợn nhiều năm nay. Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm. Được Trung ương Hội NDVN hỗ trợ lợn giống, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm từ mô hình, tôi rất vui. Đây là động lực rất lớn để các hộ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả, vươn lên làm giàu".
Cải thiện môi trường nuôi, giảm dịch bệnh
Trao đổi về tình hình địa phương, lãnh đạo Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi chiếm khoảng hơn 45% thị phần sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, nên luôn có tác động lớn đến tăng trưởng khu vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 170 trang trại chăn nuôi quy mô tập trung và mô hình hộ nuôi chuyên nghiệp. Nhiều vùng chăn nuôi được hình thành tại các địa phương như: Vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (huyện Tiên Du); các xã Gia Đông, Nghĩa Đạo, Đình Tổ, Ninh Xá, Đại Đồng Thành (Thuận Thành); các xã Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong).
Để thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi, thời gian qua Bắc Ninh đã xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo đặc thù của từng vùng, địa phương như: Hỗ trợ chăn nuôi trang trại, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, công tác phòng bệnh, chăn nuôi an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, chăn nuôi nông hộ...
Tuy nhiên, thực tế tìm hiểu tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ. Ngành chăn nuôi Bắc Ninh đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Tình trạng bệnh tật còn phổ biến trong các mô hình nhỏ và hộ chăn nuôi, khả năng và ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tại một số cơ sở còn chưa cao. Môi trường bị ô nhiễm vẫn là hiện tượng khá phổ biến trong chăn nuôi tại các địa phương hiện nay.
Xuất phát từ thực trạng trên Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất với Trung ương Hội NDVN xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, nhằm giúp các hội viên, nông dân áp dụng khoa học mạnh mẽ hơn nữa vào mọi công đoạn sản xuất và cập nhật những tiến bộ công nghệ có hiệu quả.
Ông Nguyễn Viết Huy – Chủ tịch Hội ND thị xã Thuận Thành bày tỏ vui mừng phấn khởi cho biết: Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và chế phẩm sinh học trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh sẽ giúp các hộ dân chăn nuôi hiệu quả, giảm dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và đảm bảo môi trường (dự kiến hiệu quả kinh tế tăng 15%).
Ông Nguyễn Công Thao - Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết thêm: "Chúng tôi cũng kỳ vọng mô hình sẽ là điểm sáng để cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn thị xã Thuận Thành nói riêng và trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung có điều kiện thăm quan, học tập, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào chăn nuôi của gia đình đạt hiệu quả. Qua đây, sẽ thu hút được đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Thời gian tới, các cấp Hội ND trong tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đồng hành cùng hội viên xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, giúp hội viên nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường".