Ngày 22/11, tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi sơ sinh 14 ngày tuổi, dân tộc Mông được chuyển xuống từ huyện Yên Minh, Hà Giang với khối u khổng lồ hiếm gặp ở vùng cổ gáy.
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi: trẻ là con thứ 3, sức khỏe của hai mẹ con trong quá trình mang thai hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Trẻ được sinh thường tại Trung tâm y tế huyện Yên Minh, cân nặng lúc sinh: 3.100 gam.
Ngay sau sinh, trẻ xuất hiện một khối u vùng cổ gáy, kích thước 2x3cm, sờ mềm, bầm tím. Sau đó khối u to nhanh lên, kèm da vàng sậm. Trẻ được chuyển tuyến từ Bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Bạch Mai.
Trẻ được khám tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai và nhập viện trong tình trạng: tỉnh, không sốt, tự thở, Sp02: 98%, tần số thở: 34 lần/ phút, phổi không ran, tim đều: 130 lần/ phút, có khối bầm tím to vùng cổ gáy bên phải, kích thước 6x6 cm, sờ mềm, vàng da đến vùng 4, có tình trạng thiếu máu, xét nghiệm có rối loạn đông máu, tiều cầu giảm.
Qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc Hội chứng Kasabach - Merritt.
Trẻ được điều trị tích cực bằng các thuốc, truyền các chế phẩm máu để điều chỉnh rối loạn đông máu như tiểu cầu, khối hồng cầu, plasma tươi đông lạnh, tủa lạnh hàng ngày. Khối u có xu hướng to ra rất nhanh, bầm tím lan rộng và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trước tình trạng nặng và nguy cơ cao, Ban giám đốc Trung tâm Nhi khoa đã mời hội chẩn toàn Bệnh viện gồm các chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật lồng ngực mạch máu, Huyết học và Truyền máu, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật thẩm mỹ để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho bé. Sau khi thảo luận, các chuyên gia thống nhất kết luận: Giải pháp tốt nhất cho trẻ là phẫu thuật cắt bỏ khối u máu.
Trẻ được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u bởi các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật lồng ngực và Mạch máu. Với sự phối hợp đa chuyên khoa, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.
Kết quả giải phẫu bệnh khối u kích thước 7x6x5cm, u mạch thể mao mạch, không thấy tế bào ác tính. Sau 6 ngày phẫu thuật trẻ được hồi sức tích cực đã tự thở, ăn bú tốt, vết mổ liền tốt.
Nhận định về ca bệnh, TS, bác sĩ Lê Thị Lan Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đây là ca bệnh hiếm gặp.
Ở Việt Nam, cũng đã có các ca bệnh như vậy, tuy nhiên vị trí khối u ở các vị trí ít nguy hiểm hơn như: mặt, cổ, thân mình, đùi....
Với ca lâm sàng này, để có được kết quả tốt đẹp hôm nay cho bé, ngoài quyết định chuẩn là chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u máu thì thời điểm tiến hành phẫu thuật cũng là sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của toàn bộ kíp phẫu thuật.
Thời điểm kịch tính, ngàn cân treo sợi tóc là khi chúng tôi tiến hành phẫu thuật cho bé. Vì khối u to, nguy cơ mất máu rất lớn, có thể ảnh hưởng ngay đến tính mạng của trẻ vì vậy để đảm bảo an toàn cho bệnh nhi, chúng tôi đã tiến hành dự trữ và truyền máu ngay trong khi phẫu thuật.
Sự thành công của ca mổ cũng là kết quả của sự quyết tâm, phối hợp đa chuyên khoa hết sức nhịp nhàng của rất nhiều chuyên ngành trong Bệnh viện.
Hiện bệnh nhi đã hồi phục rất tốt, ăn ngủ tốt và tăng cân.