Newcastle là thách thức lớn của nhiều trang trại chăn nuôi gà. Mầm bệnh đều có thể xâm nhập vào cơ thể gà và gây bệnh, dẫn đến thiệt hại kinh tế vô cùng lớn cho bà con. Do đó, trong chương trình hôm nay, Sổ tay Nhà nông sẽ cùng bà con tìm hiểu công tác phòng bệnh và điều trị bệnh newcastle ở gà.
SỔ TAY NHÀ NÔNG: Chủ động phòng chống bệnh Newcastle cho gà.
Mầm bệnh tiếp xúc với gà đến từ nhiều nguồn: Gà bị bệnh, thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi nhiễm mầm bệnh, phương tiện vận chuyển nhiễm mầm bệnh, chuột, côn trùng và chim hoang dã…
Để ngăn chăn các nguồn lây nhiễm này, người chăn nuôi nên giữ chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo độ sáng tốt, không khí thông thoáng, khô ráo, ấm áp. Đặc biệt phải che được gió lùa, mưa tạt, tránh để gà bị dính nước mưa.
Các dụng cụ chăn nuôi như máng thức ăn, máng nước phải được cọ rửa, sát trùng thường xuyên. Chất độn trong chuồng cũng nên thay mới theo định kỳ. Tốt nhất nên nuôi mỗi lứa cách nhau từ 15 đến 20 ngày, không nên nuôi liền kề nhau dễ dẫn đến phát sinh dịch bệnh.
Cho gà ăn khẩu phần đủ chất dinh dưỡng, thức ăn không ẩm, mốc không biến chất. Nước uống sạch, không có độc chất và thay thường xuyên tránh để gà mắc bệnh về tiêu hóa.
Tiêm phòng triệt để với các loại vacxin. Bổ sung thêm các loại vitamin; chất khoáng, chất điện giải giúp gà tăng thêm sức đề kháng. Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, theo dõi sức khỏe thường xuyên và thải loại những con ốm, yếu ra khỏi đàn.
Bệnh newcastle hay còn gọi là bệnh “dịch tả gà”, do virut newcastle là loại ARN virut gây ra, là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan mạnh của loài gà.
Triệu chứng: Gà nung bệnh từ 5 - 6 ngày và biểu hiện lờ đờ, kém ăn, uống nhiều nước ngực ướt, thở khó, ho. Phân lỏng màu xanh trắng có mùi tanh khẳm, đôi khi có máu, hậu môn phân ướt dính bết. Mào tím, có thể phù nề quanh đầu. Gà đẻ giảm sản lượng trứng, trứng có vỏ mềm. Tỷ lệ chết tăng dần và đạt tới 50 - 90% tùy theo đàn. Một số con không chết có triệu chứng động kinh, quay tròn, đầu rúc vào bụng.
Biện pháp phòng, chống bệnh: Không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh. Phòng bệnh sử dụng vaccine Lasota nhỏ mắt mũi lần 1 cho gà 5-7 ngày tuổi, sau 2 tuần nhỏ lần 2, tiêm vaccine lần 3 cho gà lúc 16 - 18 tuần tuổi. Nếu nuôi gà sinh sản thì tiêm nhắc lại trước khi gà vào đẻ. Nếu đàn gà bị dịch, xác gà phải chôn sâu, rắc vôi. Khu chuồng nuôi phun sát trùng kỹ bằng hóa chất và rắc vôi sau đó để chuồng nghỉ 1 - 2 tháng mới nuôi tiếp.
Tuy nhiên phát hiện bệnh sớm thì tiêm kháng huyết thanh cho toàn đàn, nếu gà khỏe dần lên và không chết thì sau đó 7 - 8 ngày phải tiêm vacxin newcastle hệ 1 ngay theo quy trình sử dụng vaccine. Dùng thuốc bồi dưỡng tăng cường sức đề kháng như B-complex, Vitamin C, Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, chất điện giải,... liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.
Hãy theo dõi chuyên mục Sổ tay Nhà nông các ngày thứ 2, 3, 5 và thứ 6 trên Chuyên mục Thông tin khuyến nông - Dân Việt Media, Chuyên trang Dân Việt Media và kênh Youtube: Sổ tay Nhà nông để có thêm những thông tin hữu ích về nông nghiệp.
Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về: Trung tâm Truyền hình số Dân Việt/ Báo Nông thôn Ngày nay - Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.
Email: sotaynhanong.danviet@gmail.com