Từng là nơi ở của “đệ nhất tham quan Trung Quốc” Hòa Thân, tòa phủ đệ này còn nổi tiếng với những bí mật phong thủy giúp chủ nhân có đường tài vận thăng tiến nhanh chóng, tiền vào như nước.
Vào năm Càn Long thứ 41, Hòa Thân chọn được một mảnh đất có vị thế đắc địa ở khu vực Thập Sát Hải (nơi tập trung chuỗi các ao hồ tại Bắc Kinh) và tiến hành xây dựng phủ đệ.
Khi Hòa Thân còn “đắc sủng” dưới thời Càn Long tại vị, công trình kiến trúc này từng có tên gọi là “Hòa đệ”, tức quý phủ nhà họ Hòa.
Sau này, phủ Hòa Thân trở thành nơi ở của Cung Thân vương Dịch Hân và được đổi tên thành Cung Vương phủ.
Xét về yếu tố phong thủy, tòa phủ đệ này nằm trên mảnh đất có địa thế tuyệt hảo, thậm chí còn được ví như một tòa “phong thủy bảo địa” giữa lòng Bắc Kinh.
Tương truyền rằng, Bắc Kinh từ xa xưa vốn tồn tại hai long mạch. Thứ nhất là “thổ long” (long mạch trong lòng đất). Thứ hai là “thủy long” (long mạch dưới lòng sông).
Theo đó, vị trí của Cố Cung được xây dựng trên mạch của “thổ long”. Còn phủ Hòa Thân được xây dựng trên mạch của “thủy long”, tức là nằm trên đường nối liền giữa Hậu Hải và Bắc Hải, nên sở hữu phong thủy đặc biệt tốt.
Người xưa thường ví tiền tài giống như nước. Ngày nay, các nhà phong thủy học hiện đại cũng cho rằng mạch chảy của dòng nước trong nhà có liên quan trực tiếp tới đường tài vận của gia chủ.
Trong khi đó, phủ Hòa Thân lại nằm ở nơi “tứ phía đều thấy nước”.
Đặc biệt, hồ lớn nhất trong quần thể di tích này là Tâm Đình, được dẫn nước từ hồ Ngọc Tuyền, hơn nữa dòng nước lại “chỉ chảy vào mà không chảy ra”. Yếu tố phong thủy này sẽ giúp gia chủ của tòa phủ đệ ấy có đường tài vận cực kỳ thăng tiến, tiền vào như nước.
Chưa dừng lại ở đó, dân chúng Bắc Kinh suốt nhiều thế hệ đều lưu truyền giai thoại: những người sống thọ nhất trong thành phố này đều tập trung ở khu vực gần phủ Hoa Thân. Bởi vậy, nhiều người đều tin rằng tòa phủ đệ này thực chất chính là một nơi sở hữu địa thế phong thủy tuyệt hảo, vừa giúp chiêu tài, đón lộc, lại vừa mang lại điềm lành về sức khỏe, sự nghiệp.
Sinh thời, Hòa Thân từng đặc biệt tuyển chọn hai vật trấn phong thủy dưới đây và bí mật đặt vào trong lòng hai ngọn núi giả trong phủ đệ của mình.
Phúc tự bia do Hoàng đế Khang Hi ngự bút
Trong hoa viên Cung Vương phủ có một hang động bí mật cất chứa một tấm bia có chữ “Phúc”. Chữ “Phúc” này được đích thân Thánh tổ Khang Hy Hoàng đế ngự bút.
Sinh thời, Khang Hy là một bậc thầy về nghệ thuật thư pháp, nhưng rất ít khi viết đề tự. Chính vì vậy, nên chữ “Phúc” này vô cùng đáng quý.
Không chỉ sở hữu cấu tứ xảo diệu, nét bút cứng cáp, bản thân chữ “Phúc” này còn khi phân giải ra còn mang nghĩa là “đa điền, đa tử, đa tài, đa thọ” (nhiều đất, nhiều con, nhiều tài, sống thọ). Đó cũng là lý do vì sao “Phúc tự bia” được mệnh danh là “chữ Phúc đẹp nhất thiên hạ.”
Nhiều người còn cho rằng nếu được chạm tay vào “Phúc tự bia” còn có thể được hưởng phúc thọ dài lâu. Chính vì vậy điểm đến hang động trong hoa viên phủ Hòa Thân đã trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu của du khách khi ghé thăm Cung Vương phủ.
Tỳ hưu tạc từ ngọc phỉ thúy
Tương truyền rằng, khi bị vua Gia Khánh luận tội và khám xét phủ đệ, người ta tìm thấy trong phủ Hòa Thân có một bức tượng Tỳ Hưu làm bằng ngọc phỉ thúy được giấu kín trong một ngọn núi giả.
Khi ấy, Tỳ Hưu của nhà vua mới chỉ được tạc bằng bạch ngọc, còn Tỳ Hưu của Hòa Thân được làm từ ngọc phỉ thúy xanh lý mát rượi, vô cùng quý giá. Hơn nữa, bụng và mông con Tỳ Hưu này còn to hơn nhiều so với Tỳ Hưu của vua, ngụ ý rằng việc Hòa Thân giàu hơn Hoàng đế.
Quả đúng như vậy, bởi khối tài sản của Hòa Thân sau khi bị tịch thu ước lượng lớn gấp 10 lần ngân khố nhà Thanh lúc bấy giờ.