Dân Việt

Long An: Huy động cộng đồng giảm nghèo đa chiều và bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo

Trần Đáng 25/11/2023 19:00 GMT+7
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Long An đặt ra nhiều mục tiêu để hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản nhằm giảm nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình MTQG GNBV).

Tại xã Nhị Thành (huyện Thủ Thừa), những năm qua UBMTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên triển khai, thực hiện mô hình "Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ" để giảm nghèo đa chiều.

Long An: Huy động cộng đồng giảm nghèo đa chiều và bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo - Ảnh 1.

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở tỉnh Long An được tạo điều kiện vay vốn để giảm nghèo đa chiều, bền vững. Ảnh: T.Đ

Chung tay giảm nghèo đa chiều

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Nhị Thành Nguyễn Thị Hạnh Phúc cho biết, việc thực hiện mô hình "Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ" nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho trẻ em yếu thế trên địa bàn xã và góp phần giảm nghèo đa chiều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo đó, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên thường xuyên tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình đến đoàn viên, hội viên bằng nhiều hình thức, như đăng tải trên các fanpage của UBMTTQ Việt Nam xã, Zalo, viết tin, bài tuyên truyền trong các cuộc họp ở khu dân cư,... để kêu gọi sự chung tay đóng góp của mọi người.

Mặt khác, các thành viên của UBMTTQ Việt Nam xã theo nhiệm vụ phân công, phụ trách địa bàn sẽ trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, hội từ thiện, nhà hảo tâm vận động.

Tiếp theo, chính quyền địa phương tổ chức rà soát, đánh giá và lập danh sách các trường hợp là con của hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được quan tâm, giúp đỡ.

Từ cách làm này, năm 2022, xã vận động được 28 thẻ BHYT cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với trị giá gần 16 triệu đồng. Mỗi năm, xã hỗ trợ chi phí học tập cho 3 trẻ em mồ côi với số tiền 13,2 triệu đồng; nhận chăm lo chi phí học tập hàng năm cho 6 trẻ em có hoàn cảnh gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn với số tiền trên 10 triệu đồng; hỗ trợ 2 trẻ bị bệnh hiểm nghèo chi phí đi lại để điều trị bệnh 500.000 đồng/tháng; hỗ trợ phẫu thuật cho 1 trẻ với số tiền trên 64 triệu đồng.

Long An: Huy động cộng đồng giảm nghèo đa chiều và bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo - Ảnh 3.

Tỉnh Long An đang tăng cường đào tạo nghề để đạt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững trên địa bàn. Ảnh: T.Đ

Tại xã Phước Lâm (huyện Cần Giuộc), Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Kiều Thị Ánh Nguyệt cho biết, thời gian qua, Hội tranh thủ các nguồn lực chăm lo cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, Hội triển khai, thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế, như hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm trên cây rau cho 23 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ 12 con dê giống cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, đến nay, xã còn 0,67% hộ nghèo và 1,63% hộ cận nghèo.

Chị Nguyễn Thị Oanh (xã Phước Lâm) cho biết, trước đây kinh tế gia đình chị rất khó khăn, là hộ nghèo của xã. Chia sẻ với hoàn cảnh gia đình chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã hỗ trợ 2 con dê giống để chị có phương kế làm ăn, cải thiện cuộc sống gia đình.

"Từ 2 con dê giống, vợ chồng tôi chăm sóc giờ đã phát triển thành đàn, giúp gia đình có thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và thoát nghèo", chị Oanh thổ lộ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều

Theo UBND tỉnh Long An, thực hiện CTMTQG GNBV, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm 15% trên tổng số hộ nghèo đa chiều.

Theo đó, 80% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, cận nhèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển có nhu cầu được hỗ trợ, nâng cao năng lực, sản xuất nông lâm ngư nghiệp; đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ nhà ở… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Long An: Huy động cộng đồng giảm nghèo đa chiều và bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo - Ảnh 4.

Trao tặng nhà tình thương cho bà con nghèo ở xã Vĩnh Bửu (huyện Tân Hưng, Long An) để giảm nghèo đa chiều, bền vững. Ảnh: T.Đ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cũng cho biết, trong năm 2023, tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả CTMTQG GNBV, giai đoạn 2021 – 2025, như tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

Đồng thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo không còn khả năng lao động từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn huy động xã hội hóa.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, huy động tối đa nguồn lực, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu về giảm nghèo đã đề ra; triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An đã triển khai, thực hiện 6/7 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình. Còn dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo không triển khai do tỉnh không có huyện nghèo, việc hỗ trợ nhà ở được thực hiện lồng ghép trong nhiều chương trình an sinh xã hội.