Theo dự báo của các chuyên gia tiền lương, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhiều khả năng 3 nhóm ngành: Vận chuyển; dịch vụ; du lịch... vẫn có sự tăng trưởng tốt, nên nhiều khả năng ở ngành này vẫn có thưởng Tết.
Đại diện một doanh nghiệp vận chuyển lớn tại Hà Nội cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng ngành dịch vụ vận chuyển vẫn túc tắc chạy được.
Hiện công ty đang có 300 đầu xe, trong đó có 100 đầu xe tải, công te nơ, 200 đầu xe khách 16-50 chỗ phục vụ đưa đón học sinh, chạy hợp đồng... với gần 200 nhân viên.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, khả năng doanh nghiệp sẽ thưởng thêm tháng 13 khoảng 15-25 triệu đồng tùy vị trí nhân viên. Mức thưởng Tết này cao hơn so với mức thưởng Tết năm 2022 và 2023 khoảng 15%.
Trái ngược với dự báo đầy triển vọng về tiền thưởng của nhóm ngành "hot", một số ngành được đánh giá khá bết bát. Có thể kể tới như khối ngành bất động sản; may mặc; da giày; ngân hàng... Nhiều khả năng thưởng Tết sẽ giảm, thậm chí có những khối ngành sẽ "trắng" thưởng Tết.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Dự báo được tình hình này, ngay từ giữa năm tổ chức công đoàn cũng dự báo khó khăn của năm nay, khả năng nhiều lao động sẽ không có thưởng Tết. Trước tình hình đó, tổ chức Công đoàn cũng đã chỉ đạo liên đoàn công đoàn các tỉnh để các tỉnh chỉ đạo công đoàn cơ sở nắm tình hình, phân loại các doanh nghiệp với các mức độ khó khăn khác nhau để chủ động thương lượng đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Năm 2023, thưởng Tết Dương lịch giảm, bằng 91% so với năm 2022 (bình quân là 1,24 triệu đồng/người). Trong khi đó, tiền thưởng tết âm lịch tăng 11% so với tết m lịch năm 2022 (bình quân là 6,86 triệu đồng/người). Mức thưởng cao nhất dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là 1,004 tỷ đồng, thuộc về một doanh nghiệp dân doanh ở TP Đà Nẵng.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, công đoàn luôn mong muốn người lao động có thưởng Tết cao, nhưng phải phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy thưởng Tết bắt nguồn từ sức khỏe của doanh nghiệp, vì thế nếu doanh nghiệp khó khăn mức thưởng tết không được như năm ngoái hoặc vài năm gần đây thì tôi tin rằng với truyền thống của giai cấp công nhân, người lao động vẫn có thể chia sẻ, thông cảm với doanh nghiệp.
"Với người lao động thưởng Tết không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần. Điều này càng quan trọng khi doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu lao động thì việc đảm bảo phúc lợi cho người lao động giúp họ yên tâm làm việc càng có giá trị với doanh nghiệp", ông Hiểu nói.
Ông Hiểu cho biết thêm, ngay từ tháng 10 Công đoàn đã sớm tổ chức chăm lo Tết cho người lao động. Người lao động và công đoàn dành ra một khoản kinh phí tặng quà chăm lo Tết cho người lao động. Mỗi đơn vị tính toán, lựa chọn khoảng 10% lao động khó khăn nhất để chăm lo. Có thể chăm lo bằng nhiều hình thức: Ví dụ như: Tặng vé máy bay, vé tàu, tặng quà... huy động sức mạnh của cộng đồng để giúp lao động gặp khó khăn.
Ông Hiểu khẳng định: "Tuy pháp luật không quy định thưởng Tết là bắt buộc nhưng thưởng Tết đôi khi có giá trị như những quy định của pháp luật. Nó được thôi thúc từ động lực bên trong của người sử dụng lao động. Chúng tôi tin rằng với những doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao thì họ luôn ý thức về điều đó".
Ông Hiểu cũng cho rằng, khi họ làm tốt điều này thì họ có thể giữ chân lao động, nhất trong bối cảnh nhiều nơi đang thiếu lao động như hiện nay. Ông Hiểu cũng tin công đoàn cơ sở sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này. Thực tế từ trước đến nay cũng có nhiều doanh nghiệp cũng làm tốt việc công khai thưởng Tết cho người lao động, trước ngày 20 Tết.
Đại diện lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, nếu công nhân lao động gặp khó khăn trong vấn đề lương, thưởng, có thể báo cáo với công đoàn cơ sở để được hỗ trợ.