Thầy Lê Văn Thắng là giáo viên tại Trường Mầm non Thanh Kim, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Thầy là chủ nhiệm lớp ghép mẫu giáo cho trẻ 4 tuổi với tổng số 31 học sinh. Trong đó có 6 em 5 tuổi, 8 em 4 tuổi và 7 em 3 tuổi.
Ba lần thoát chết
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), thầy Lê Văn Thắng nộp hồ sơ xin công tác tại các điểm trường tiểu học. Nhưng vì năm đó ngành mầm non tại huyện Sa Pa bị thiếu hụt nhân sự, thầy Thắng được chuyển về dạy tại Trường Mầm non Thanh Kim.
Khi thầy Thắng bộc bạch ý định về miền núi giảng dạy với mẹ, bà hết sức phản đối. Nhưng không chịu bỏ cuộc, thầy tích cực thuyết phục và cho mẹ thấy sự quyết tâm "gieo chữ" về các vùng khó khăn của mình.
Sau khi nhận được sự đồng ý của mẹ, thầy Thắng khăn gói lên Sa Pa để thực hiện nghĩa vụ của người "cõng chữ" cho các em học sinh dân tộc thiểu số.
Trong khoảng thời gian sinh sống và công tác tại đây, thầy Thắng đã có trải nghiệm ba lần… thoát chết.
Thầy kể: "Năm 2013, khi đang trên đường xuống dốc thì xe tôi bị mất phanh.
Lúc đó tôi tỉnh táo và nhảy xuống xe kịp thời. Mặc dù xe bị hư hỏng nặng nhưng tôi cảm thấy may mắn vì đã sống sót.
Lần thứ hai vào năm 2014, tôi bị bệnh nặng và những tưởng tôi không qua khỏi. Khi đó người dân sử dụng phương pháp châm cứu của dân tộc Dao Đỏ. Tôi lại lần hai may mắn thoát chết.
Đến năm 2021, lúc đang chở hai con thì xe tôi đột ngột mất phanh. Lúc này tôi cũng kịp thời tỉnh táo và ôm con nhảy khỏi xe".
Cái duyên với nghề
"Thú thật, lúc đầu lên đây nhận nhiệm vụ tôi có hơi hụt hẫng. Đây không phải là chuyên môn, định hướng ban đầu nên tôi không có nhiều kiến thức, kỹ năng giảng dạy cho trẻ từ 1-2 tuổi.
Hình thức dạy học bị thay đổi. Tôi từ người thầy cầm phấn viết bảng thành người thầy chăm lo, săn sóc cho trò từng miếng ăn, giấc ngủ", thầy Thắng nói.
Thầy Thắng cho biết: "Trong các hoạt động văn nghệ thì cách thức truyền tải cử chỉ, động tác của tôi có phần không uyển chuyển, mềm mại bằng các cô giáo khác. Tôi cũng đã ngoài 40 nên trong các hoạt động nhảy múa và ca hát tôi còn gặp nhiều hạn chế".
Thầy tâm sự, mỗi đêm thức đều thức đến tận khuya soạn giáo án, tham khảo nhiều tài liệu chuyên môn để chuẩn bị kịp, kỹ càng cho các bài giảng. Nhà trường và ban giám hiệu luôn giúp đỡ, tạo điều kiện cho thầy trong quá trình công tác.
Bản thân thầy Thắng mỗi ngày đều không ngừng nỗ lực trau dồi nghiệp vụ mầm non qua bạn bè, sách báo, Internet, các tiết chuyên đề.
Đặc biệt, thầy Thắng tiết lộ, bên cạnh thầy còn có một người vợ cũng là giáo viên mầm non đã san sẻ tinh thần và bổ sung cho thầy nhiều kỹ năng chuyên môn để thầy nhanh chóng vượt qua những khó khăn ban đầu.
Khi mới được phân về trường mầm non, thầy Thắng có phần hơi… ngại. Theo thầy, mọi người thường gọi là "cô giáo mầm non" chứ ít ai gọi là "thầy giáo mầm non".
Dù việc trở thành giáo viên mầm non nằm ngoài dự tính, nhưng thầy Thắng vẫn vui vẻ, đón nhận và xem mọi việc đến với thầy đều như một cái duyên.
Ấp ủ giấc mơ được dẫn dắt học trò qua bến đò của tri thức từ năm cấp 3, nên cho dù bằng hình thức nào, thầy Thắng vẫn nỗ lực hết mình và không câu nệ.
Cô Lương Ánh Nguyệt, đồng nghiệp của thầy Thắng, nhận xét: "Thầy Lê Văn Thắng là một người thầy luôn được học trò yêu quý, kính trọng.
Đối với các hoạt động tại trường lớp, thầy Thắng luôn là một người rất nhiệt tình. Thầy luôn tự mình trang trí các lớp học sao cho thật màu sắc. Thầy còn trồng rau và chăm sóc cây cối để đảm bảo rau sạch cho trẻ ăn hàng ngày".
Vượt qua khó khăn vì học trò
Thầy Thắng chăm sóc, giáo dục cho trẻ từ 1-2 tuổi. Đa phần học sinh là người dân tộc Dao Đỏ và H'mông. Hơn nữa, trẻ còn nhỏ chỉ quen với tiếng mẹ đẻ nên thầy Thắng buộc phải học tiếng dân tộc.
"Ngoài việc học tiếng thông qua quá trình giao tiếp với người dân và học sinh ở độ tuổi lớn hơn, tôi thường dành ra khoảng 1-2 tiếng mỗi ngày để tự học.
Dần dà, khi biết tiếng nhiều hơn, tôi chuyển sang giảng dạy song ngữ với trẻ", thầy nói.
Ngoài khó khăn trong giao tiếp, thầy Thắng còn gặp nhiều hạn chế trong môi trường công tác vì điểm trường thiếu thốn cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.
Toàn trường chỉ có một máy chiếu phục vụ cho việc giảng dạy. Đến tận năm 2014, điểm trường thầy Thắng công tác mới có mạng internet. Trước đó, thầy Thắng đã phải tự trang bị, mua một chiếc D-Com 3G phục vụ cho công tác dạy học và thông tin.
Về việc di chuyển đến trường học, thầy bộc bạch: "Hệ thống giao thông đi lại rất khó khăn và vất vả. Đường cao và dốc, nhiều đá khó lưu thông. Hơn thế nữa, vào mùa mưa bão, đường trơn trượt cũng gây cho chúng tôi không ít trở ngại khi di chuyển.
Có những đợt vì đường khó lưu thông, giáo viên tại trường phải đi bộ hàng chục cây số để đến điểm dạy".
Vì Trường Mầm non Thanh Kim nằm ở trên núi và cách xa chợ nên vào mỗi cuối tuần thầy Thắng phải đi 4km xuống núi để mua thêm thức ăn dự trữ. Những hôm trời mưa không thể di chuyển bằng xe máy, thầy Thắng thường phải đi bộ qua con suối để đến được các điểm chợ.
Đa phần các thực phẩm thầy Thắng lựa chọn sẽ là thực phẩm khô như cá, lạc... với khả năng trữ đông lâu: "Đời sống mầm non tại nơi đây còn nhiều hạn chế. Song, những người thầy, người cô như chúng tôi vẫn nỗ lực để mang cho trẻ một môi trường giáo dục tốt nhất".
Hiện tại, thầy Lê Văn Thắng đã hoàn thành xong chương trình giáo dục mầm non. Trong tương lai, thầy sẽ tiếp tục đồng hành, trực tiếp giảng dạy tại địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.