Chu Nguyên Chương (1328 – 1398) là vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh. Xuất thân từ một gia đình nông dân, hoàng đế Chu Nguyên Chương từ lâu đã thấy hiểu các nỗi khổ của người dân, đồng thời hiểu rõ sức mạnh của dân chúng.
Vị hoàng đế nổi tiếng này cực kỳ ghét quan tham ô, tham nhũng. Trong thời gian trị vì của mình, hoàng đế Chu Nguyên Chương nghiêm trị các vị tham quan bằng nhiều cực hình tàn khốc như chém bêu đầu, tùng xẻo, giết cả họ... Chu Nguyên Chương thực hiện chiến dịch "bàn tay sắt" nhằm triệt để chống nạn tham nhũng.
Theo ghi chép trong lịch sử, hoàng đế Chu Nguyên Chương ban lệnh trừng phạt những kẻ tham quan ô lại vô cùng tàn nhẫn.
Thứ nhất, Chu Nguyên Chương đưa ra quy định rằng, cứ tham ô 10 lượng bạc thì phại chịu hình phạt. Nếu tham ô từ 60 lượng bạc trở lên thì người đó đã mắc phải đại tội.
Thứ hai, Chu Nguyên Chương áp dụng các hình phạt rất tàn khốc. Cụ thể, tội nhẹ thì bị lưu đày, sung quân, tham nhũng nặng sẽ bị tử hình, thậm chí bị rút gân lột da, biến kẻ phạm tội thành bù nhìn đặt ở công đường. Trên thực tế có bao nhiêu người phạm tội thì sẽ có bấy nhiêu người chịu hình phạt.
Thứ ba, hoàng đế Chu Nguyên Chương còn cho phép dân chúng tố cáo các quan tham. Theo Luật pháp triều Minh quy định, nếu người nào bị phát hiện tham nhũng sẽ lập tức bị đưa đến nha phủ, hoặc áp giải trực tiếp lên kinh thành để chém đầu thị chúng. Đây là hình phạt rất nghiêm minh. Trong suốt 276 năm của nhà Minh, số tham quan bị giết vì tham ô đã lên tới 150.000 người. Đây quả thực là con số rất lớn.
Mặc dù hoàng đế Chu Nguyên Chương đề ra nhiều hình phạt tàn nhẫn, những dường như chúng không hiệu quả lắm khi ngày càng có nhiều tham quan xuất hiện. Hình phạt và luật do hoàng đế khai quốc của nhà Minh đề ra rất tàn nhẫn, nhưng dường như các quan lại phía dưới lại luôn tìm cách để tham ô. Rõ ràng nạn tham ô, tham nhũng trong triều đại nhà Minh không được giải quyết một cách triệt để, khiến hoàng đế nổi tiếng như Chu Nguyên Chương luôn phải đau đầu tìm cách.
Tuy nhiên, sau khi hoàng đế Ung Chính (1678 – 1735) của triều đại nhà Thanh lên ngôi, ông chỉ dùng có 3 chiêu nhưng đã khiến các quan lại tham nhũng lúc bấy giờ phải khiếp sợ, bất an. Dưới thời gian trị vì của ông, triều đình nhà Thanh không còn quan tham nhũng nữa. Điều này cho thấy hoàng đế Ung Chính đã giải quyết được tận gốc vấn đề trong việc chống tham nhũng.
Rốt cuộc, hoàng đế Ung Chính đã làm thế nào?
Cuối năm 1722, sau khi hoàng đế Khang Hi băng hà, hoàng tứ tử Ung Thân vương Dân Chân kế vị. Bắt đầu từ năm 1723, ông dùng niên hiệu Ung Chính.
Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, Ung Chính không chỉ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài chính nghiêm trọng (một phần do quan lại tham ô) mà còn phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng về lời đồn đại "lên ngôi chính thống".
Một mặt củng cố quyền lực, mặt khác, hoàng đế Ung Chính luôn siêng năng, cần kiệm, đồng thời chống tham nhũng quyết liệt, cải cách về việc quản lý tài chính của đất nước. Các chính sách quyết liệt của ông đã mở đường cho sự thịnh trị kéo dài gần 150 năm tiếp theo của nhà Thanh. Các sử gia nhận định, không có Ung Chính thì không có cái gọi là "Khang Càn thịnh thế".
Để giải quyết vấn nạn tham nhũng đã tồn tại dai dẳng, hoàng đế Ung Chính quyết tâm diệt trừ hoàn toàn chỉ bằng 3 chiêu.
Thứ nhất, hoàng đế thành lập các ban khâm sai bao gồm các đại thần từ cấp trung ương hoặc các quan viên địa phương có năng lực đi kiểm tra các tỉnh, huyện một cách bất ngờ. Nếu tra xét ra viên quan nào có dính líu tới tham ô thì người này lập tức bị cách chức và thay thế bằng một người khác trong ban khâm sai. Vị quan tham ô sẽ bị quân lính bắt giải, nhà cửa bị niêm phong và tài sản sung vào ngân khố.
Tuy nhiên, vào thời xưa, do giao thông đi lại bất tiện, nên trước khi đội khâm sai do Ung Chính cử đến, các quan lại tham nhũng sẽ cố gắng tìm cách để bù đắp sự thiếu hụt trong ngân sách để hòng "chạy án". Chẳng hạn, họ sẽ vay tiền từ những người giàu có ở địa phương. Những người này sẽ cho quan lại vay tiền để bù đắp khoản tiền tham ô, bởi đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, hoàng đế Ung Chính đã sớm nhìn ra nước cờ của các quan lại tham nhũng. Ông ban hành chiếu chỉ của triều đình rằng bất cứ ai cho quan lại tham nhũng vay tiền để bù đắp ngân sách sẽ bị tịch thu. Bằng cách đơn giản này nhằm khẳng định không chỉ quan lại tham nhũng không thể thoát tội mà ngay cả những người giàu có cũng khó tránh khỏi liên lụy. Bằng cách này, đúng là không ai dám mạo hiểm mạng sống để cho quan lại tham nhũng vay tiền.
Thứ hai, tham quan và cả nhà của họ đều phải chịu hình phạt. Hoàng đế Ung Chính cho rằng nguyên nhân dẫn tới tham ô không phải do một mình quan lại gây ra. Thay vào đó, người thân của các vị quan này cũng đều có trách nhiệm và liên đới. Động cơ tham ô của nhiều quan lại phần lớn là do lo lắng cho tương lai của con cháu. Vì vậy, hoàng đế Ung Chính nhấn mạnh, ngoài việc phải đền bù số tiền tham ô vào ngân khố quốc gia, nhà cửa đều phải bị lục soát, đồng thời những người thân của quan lại tham nhũng cũng bị điều tra nghiêm khắc.
Ngay cả khi các quan tham ô đã tự sát thì hoàng đế vẫn ra lệnh bắt người nhà của họ phải làm việc lao dịch cả đời để trả nợ cho ông cha. Có người thậm chí còn phải chịu bị lưu đày ra biên cương vì bị liên lụy từ quan tham ô, tham nhũng. Với "độc chiêu" này, rõ ràng khiến các quan lại phải dè chừng, bởi nếu họ tham ô có thể làm liên lụy tới các thế hệ tương lai.
Thứ ba, hoàng đế yêu cầu tất cả quan lại đến xem hành hình tham quan. Khi chứng kiến những màn xử chém, các quan lại còn lại sẽ biết sợ mà khống chế lòng tham của mình. Hơn nữa, khi được tận mắt chứng kiến cảnh hành hình những người có thể vừa là "đồng nghiệp", các vị quan sẽ hiểu hơn về tội chết. Từ đó, họ sẽ không dám tham ô bòn rút công quỹ để tránh phải chịu cái chết bi thảm, đồng thời có thể liên lụy tới con cháu trong gia tộc.
Với 3 chiêu trên, hoàng đế Ung Chính không chỉ giúp nạn tham nhũng ở nhà Thanh giảm đáng kể mà còn khiến các quan lại thậm chí còn không dám khởi ý định tham ô. Sau những động thái cứng rắn của Ung Chính trong việc chống tham nhũng, ngân khố của nhà Thanh cũng dần trở nên dồi dào hơn, bầu không khí trong xã hội mang một diện mạo mới, thời kỳ thịnh trị của vương triều vẫn được tiếp tục và củng cố.
Chính nhờ cách chống tham nhũng đặc biệt và mạnh mẽ của hoàng đế Ung Chính, cùng cải cách trong quản lý tài chính, đã tạo nền móng vững chắc cho con trai ông là Càn Long khi lên nắm quyền.
Ba chiêu của Ung Chính tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao trong việc chống tận gốc tham ô, tham nhũng. Điều này cũng khiến hậu thế phải khâm phục tài năng xuất chúng của vị hoàng đế nổi tiếng này.