Trước khi vòng 33 J.League 1 - vòng áp chót của giải VĐQG Nhật Bản diễn ra, Yokohama FC đang xếp cuối bảng với 29 điểm. Họ kém hai đội xếp trên là Shonan Bellmare và Kashiwa Reysol cả về điểm số lẫn hiệu số bàn thắng bại. Yokohama FC không cách nào khác là phải thắng bằng được Shonan Bellmare. Nhưng họ thậm chí còn thua CLB này 0-1 ngay trên sân nhà. Bàn thắng ở phút 49 do công của Oiwa Kazuki đã giúp Shonan Bellmare trụ hạng J.League 1 thành công, đồng thời đẩy Yokohama FC vào "cửa tử".
Trong một diễn biến khác, Kashiwa Reysol đã không tận dụng thành công khi hòa 2-2 trước Sagan Toshu. Nếu đó là một thắng lợi, Kashiwa sẽ chắc chắn trụ hạng và khiến Yokohama FC trở thành CLB phải xuống chơi ở J.League 2 mùa sau. Ở thời điểm hiện tại, Yokohama FC kém Kashiwa Reysol tới 3 điểm. Hiệu số bàn thắng bại của Yokohama FC cũng thấp hơn 8 bàn so với đối thủ này.
Đồng nghĩa, 99,99% đội bóng chiêu mộ Công Phượng sẽ xuống chơi ở J.League 2. Phép màu chỉ đến nếu như Yokohama FC thắng được Kashima ở lượt cuối với một tỷ số đậm cộng thêm Kashiwa cũng thua đậm Nagoya ở lượt cuối. Tuy nhiên, việc phải gồng mình ở cả điều kiện cần lẫn đủ với Yokohama FC là không tưởng.
Trong trường hợp Yokohama FC xuống hạng, Công Phượng sẽ phải cân nhắc tương lai. Mặc dù rất quyết tâm ghi dấu ấn trong màu áo Yokohama FC khi ký hợp đồng 3 năm và đưa cả vợ con sang Nhật Bản sinh sống, thế nhưng chân sút gốc Nghệ An mới chỉ ra sân có 2 phút cho đội bóng này. Vì không được trọng dụng ở Yokohama FC, nên Công Phượng cũng mất suất ở ĐT Việt Nam dưới thời HLV Troussier.
Vậy có đội bóng này ở V.League sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua 2 năm hợp đồng của lại của Công Phượng với Yokohama FC và đưa tiền đạo này trở lại Việt Nam thi đấu?
Theo giới thạo tin, có ít nhất 5 đội bóng có tiềm lực tại chính ở V.League sẵn sàng làm điều trên một khi Công Phượng muốn có một cuộc "giải cứu", gồm CLB CAHN, Thép Xanh Nam Định, B.Bình Dương, CLB TP.HCM và đội bóng cũ LPBank HAGL.
CLB CAHN, Thép xanh Nam Định và B.Bình Dương đều từng được đồn đoán đàm phán với Công Phượng khi tiền đạo này hết hợp đồng với HAGL, thế nhưng không có thương vụ nào diễn ra khi ngôi sao người Nghệ An muốn cùng gia đình sinh sống lâu dài ở Nhật Bản. Tương tự, CLB TP.HCM cũng muốn một lần nữa sở hữu Công Phượng. Hồi đầu năm 2020, sau khi thất bại tại Sint-Truiden (Bỉ), Công Phượng đã về nước khoác áo CLB TP.HCM 1 năm, ra sân 19 trận và ghi 10 bàn thắng.
Về phía HAGL, trước đây, bầu Đức luôn khẳng định sẵn sàng chào đón những "đứa con" trở lại đội bóng nếu gặp khó khăn. Hiện tại, sau khi đổi tên, chính LPBank HAGL cũng đang có thành tích không tốt và bầu Đức hoàn toàn có thể tính đến việc đưa Công Phượng về chơi cho đội bóng phố Núi trong thời gian tới để cải thiện sức mạnh hàng công. Lúc này, vì có LPBank "chống lưng" nên tài chính không còn là vấn đề lớn với đội chủ sân Pleiku.