"Uống rượu hôm trước, hôm sau đo vẫn có cồn mà bị phạt thì không nên"
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý vi phạm nồng độ cồn tại phố Yên Phụ tối 27/11. Clip: Gia Khiêm
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đưa ra quy định một trong những hành vi bị cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông là trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Thảo luận tại nghị trường, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định này.
Bên cạnh một số ý kiến cho rằng "nên duy trì quy định cấm tuyệt đối người tham gia giao thông mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn" thì cũng có ý kiến "không nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn".
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông cho biết, rượu bia là truyền thống văn hoá từ hàng nghìn năm nay, cả thế giới đều uống rượu bia.
Theo ông Thuỷ, thứ nhất, đất nước ta có nhiều phong tục tập quán, lễ hội, nhiều thứ "không thể bỏ được", thuộc văn hoá truyền thống, tập tục của người dân. Niềm vui có lúc cần phải có rượu bia.
"Chẳng hạn như đám cưới, nếu không có rượu bia không còn ý nghĩa gì. Tôi cho rằng không nên cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn, chỉ hạn chế ở mức hợp lý. Ví dụ như trong đám cưới văn hoá mời nhau có thể uống ít hay nếm chút thì vẫn ổn và có lẽ chưa ảnh hưởng. Việt Nam là một đất nước nhiều lễ hội, ẩm thực là văn hóa, nề nếp của người dân hàng nghìn năm nay, khi ăn uống là phải có rượu. Do đó, tính văn hóa, thói quen và truyền thống cộng lại thì không nên cấm tuyệt đối", ông Thuỷ nêu.
Thứ 2, việc cấm tuyệt đối này cũng bất hợp lý nếu so với các nước khác. Như Luật pháp Thái Lan quy định rằng người điều khiển phương tiện bị cho là say rượu khi: Người từ 20 tuổi trở lên mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 50 mg/100 ml. Người dưới 20 tuổi hoặc người sử dụng giấy phép lái xe tạm thời mà nồng độ cồn trong máu vượt quá 20 mg/100 ml. Ngoài ra, việc từ chối đo nồng độ cồn sẽ bị xem như có uống rượu.
Ông cũng đưa ra lý lẽ như ở Singapore quy định giới hạn nồng độ cồn khi lái xe ở nước này là 0,35 mg/lít khí thở, 80 mg/100 ml máu. Lỗi uống rượu bia khi lái xe có thể bị phạt tới 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) và bị phạt tù 1 năm cho lần vi phạm đầu tiên.
Những người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tới 20.000 USD (khoảng 460 triệu đồng) và phạt tù tới 2 năm. Người vi phạm cũng sẽ bị cấm lái xe ít nhất 2 năm, hoặc ít nhất 5 năm khi tái phạm. Thời gian bị cấm lái xe có thể lâu hơn nếu người điều khiển phương tiện gây nguy hiểm. Còn tại Trung Quốc, người điều khiển phương tiện bị xác định là "lái xe sau khi uống rượu bia" khi nồng độ cồn trong máu từ 20 mg/100 ml đến dưới 80 mg/100 ml.
"Có thể thấy, các nước cũng nhận thức được rằng rượu bia gây tác hại nhưng cũng ở mức độ nào đó để nhận định thế nào là say, và thế nào là không say? Nếu uống vượt quá mức quy định là say, không làm chủ được tay lái gây tai nạn thì phạt là đúng. Nhưng ở dưới mức quy định thì không nên phạt, không nên nghiêm cấm.
Vì nếu nghiêm cấm như vậy thì sẽ gây bức xúc cho người dân, thiếu thực tế. Uống rượu hôm trước, hôm sau đo vẫn có cồn mà bị phạt thì không nên. Tôi nghĩ nên cấm ở mức hợp lý, cụ thể 30mg/100ml là phù hợp. Như vậy vừa mang tính khoa học. Tức là chưa đến mức đó người dân vẫn điều khiển được phương tiện. Thực tiễn trên thế giới đều thế, vượt mức đó mới phạt còn dưới mức này không phạt vì chưa đến mức gây ảo ảnh hay không làm chủ được tay lái thì vẫn sử dụng bình thường. Vậy là hợp lý, khoa học và mang tính nhân văn vì một chút rượu bia cũng là niềm hạnh phúc của người dân", ông Thuỷ nói.
Lý do thứ 3, ông Thuỷ cho rằng, cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn khổ sở cho người dân khi uống một chút cũng bị phạt, cơ quan chức năng cũng vất vả khi điều động nhân lực…
"Tôi cho rằng những người lái xe khách hoặc tàu hoả, đường sắt đô thị mà uống rượu bia phải phạt thật nặng hơn. Nếu vượt mức cho phép phạt nặng hơn gấp 2,3 lần vì những người đó chịu trách nhiệm tính mạng của nhiều người. Tôi mong Quốc hội nên bàn với Bộ Công an thống nhất cùng Văn phòng Chính phủ nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan, nhân văn, khoa học, thực tế", ông Thuỷ nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Dân Việt, thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp Việt-Nga, Bộ Quốc phòng cho rằng, việc sử dụng rượu bia ít vẫn có những mặt lợi ích cho sức khỏe, giúp tiêu hóa, lưu thông máu tốt hơn (ở lượng thấp)… đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế, các quán ăn, nhà hàng sẽ có khách hàng.
Theo bác sĩ Hoàng, việc cấm tuyệt đối rượu bia hiện nay là nhằm thay đổi thói quen bao đời nay của người Việt là sử dụng rượu bia rồi thì vẫn lái xe, nên bây giờ phải cấm tuyệt đối.
Tuy nhiên, theo vị bác sĩ, việc cấm này thực hiện một cách quyết liệt nhằm thay đổi thói quen "đã dùng rượu bia là không lái xe", nhưng điều này chỉ nên mang tính chất ở giai đoạn quá độ chuyển đổi và sau đó cần phải chuyển sang việc uống quá mức cho phép thì mới bị phạt.
"Vì đó là nhu cầu tất yếu của con người và phát triển kinh tế. Như tôi, bây giờ tôi lái xe là không dám động đến một giọt rượu, bia. Điều này bất tiện, ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của mọi người, nhà hàng, quán bia rượu kinh doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng cũng cho rằng, khi xác định ngưỡng cho phép ở mức thấp vượt quá ngưỡng mới xử phạt tài xế lái xe khi uống rượu, bia, cần xây dựng tiêu chuẩn tham khảo quy định của các nước khác trên thế giới.
"Các nước phát triển đã xây dựng và có quy định thì tôi nghĩ chúng ta cũng nên quy định sử dụng rượu, bia theo ngưỡng cho phép ở mức thấp là an toàn khi lái xe", bác sĩ Hoàng nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian từ lúc uống rượu đến khi để xét nghiệm âm tính khi kiểm tra phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Cụ thể, bạn phải xem mình uống lượng rượu bao nhiêu, nồng độ cồn trong rượu bao nhiêu. Nếu uống càng nhiều thì nồng độ càng cao. Đồng thời, người uống cần phải xem xét các yếu tố khác, thí dụ như nếu uống lúc đói thì hấp thụ rượu càng nhanh. Những người uống rượu kéo dài, uống triền miên thì rượu tồn tại trong người sẽ lâu hơn. Một số trường hợp cá biệt thì phụ thuộc vào cơ thể. Do đó, có những trường hợp sau 24 giờ vẫn còn dương tính nồng độ cồn trong máu và hơi thở.
Việc sử dụng một số loại đồ uống như socola, hoa quả lên men, dạng thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng có một chút ethanol hay một số thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường, nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài thì cũng có thể lên men, tạo ra lượng cồn trong hơi thở cũng là quan ngại với nhiều người dân khi lưu thông phương tiện giao thông.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyên cho hay, nếu không may ăn phải những đồ ăn thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15-30 phút mới tham gia giao thông, vì nếu không may kiểm tra sẽ có một chút ethanol trong hơi thở.
Bác sĩ cho hay, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml); 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml); 1 vại bia hơi (330ml); hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml).
Ngay cả các chuyên gia, bác sĩ cũng không thể nói chính xác bao lâu sau khi uống rượu bia thì trong máu và hơi thở không còn nồng độ cồn. Lý do là thời gian này phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: liều lượng, loại bia rượu, nồng độ bia rượu, thời gian uống kéo dài bao lâu, uống lúc đói hay lúc no... Chỉ có một điều chắc chắn là càng uống nhiều bia rượu thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao.
Ngoài ra, nồng độ cồn còn phụ thuộc vào cơ thể, tình trạng bệnh lý của từng người. Có người uống từ tối hôm trước nhưng sáng hôm sau nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở vẫn còn, nhưng có người thì không.
Đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường, sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn. Tuy nhiên, để hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể còn phải mất thêm 1-2 giờ nữa. Những người có chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Còn nữa!