Dân Việt

Hướng tới Đại hội VIII Hội NDVN: Nguồn vốn "nội lực" đang giúp Hội ND Đồng Nai phát triển kinh tế tập thể

Trần Khánh 11/12/2023 18:46 GMT+7
Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã giúp nông dân liên kết, hợp tác xây dựng; phát triển hàng nghìn mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác, hợp tác xã về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ.

Quỹ Hỗ trợ nông dân Đồng Nai giúp nông dân liên kết làm giàu

Năm 2018, Hội Nông dân TP.Long Khánh ra mắt mô hình Tổ hội nông dân nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang. Ban đầu, Tổ có 41 hội viên tham gia. Hoạt động của Tổ hướng tới mục tiêu giúp đỡ, cùng hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển, góp phần đổi mới hình thức hoạt động Hội.

Ông Văn Anh Thơ, thành viên Tổ hội nông dân nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang cho biết, đây là mô hình tốt, giúp nông dân trao đổi kỹ thuật, liên kết với nhau.

Tổ hội nông dân nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ phát triển. Ảnh: Kỳ Nguyên

Tổ hội nông dân nghề nghiệp cây bưởi xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ phát triển. Ảnh: Kỳ Nguyên

Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ 3 tháng, các thành viên trong Tổ hội họp 1 lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời Tổ tìm nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giá tốt, ổn định cho các thành viên. Nhờ đó, việc đầu tư, chăm sóc cây bưởi của các hộ đi vào nề nếp, cho thu nhập khá.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Khánh cho biết, Hội Nông dân thành phố luôn xác định phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội. 

Sau 1 năm thành lập, Tổ được Hội Nông dân TP.Long Khánh tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn từ  nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh với dự án vay 400 triệu đồng.

Đến nay, số diện tích trồng bưởi tăng lên, các thành viên trong Tổ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây, tạo cây có trái quanh năm, năng suất và chất lượng bưởi tăng so với những năm đầu thành lập.

"Nhờ đó các thành viên trong Tổ có sự liên kết, giải quyết được đầu ra sản phẩm. Thu nhập hàng năm của các hộ cũng tăng, giúp các thành viên ổn định hơn trong cuộc sống", ông Dũng nói.

Bà Hồ Thị Sự - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng dư nợ cho vay nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện nay là 115,97 tỷ đồng, phát vay cho 2.521 hộ với 260 dự án nhóm hộ. Nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, giải ngân kịp thời đến hội viên, nông dân.

Từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã giúp nông dân liên kết, hợp tác xây dựng, thành lập mô hình Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; phát triển hàng nghìn mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác, hợp tác xã về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ.

Nông dân trồng bưởi ở TP.Long Khánh. Ảnh: T.L

Nông dân trồng bưởi ở TP.Long Khánh. Ảnh: T.L

Các mô hình kinh tế tập thể này góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Đây là một trong các hoạt động rất thiết thực, hiệu quả để thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Để tiếp tục đạt, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 -2028 đề ra, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn từ Đề án Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giai đoạn 2021-2025

"Hội Nông dân tỉnh cũng sẽ chủ động tham mưu cho cấp ủy, đề xuất chính quyền tạo điều kiện để phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân từ nguồn vốn ngân sách; đồng thời, đẩy mạnh vận động ủng hộ từ nguồn ngoài ngân sách, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp được giao", bà Sự chia sẻ.