Bộ GDĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chính thức với là 2+2 như nhiều lựa chọn từ trước.
Chia sẻ tại buổi họp báo, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, nội dung thi sẽ bám sát nội dung của Chương trình GDPT 2018. Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.
Thi tốt nghiệp THPT từ 2025 gồm những môn nào? Theo PGS Chương, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GDĐT. Dự kiến vào tháng 6 hàng năm", ông Chương thông tin.
Một vấn đề được đông đảo thí sinh và giáo viên quan tâm là số môn thi tốt nghiệp THPT là 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Thí sinh có được đăng ký thi thêm môn thứ 3, thứ 4 hay không. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GDĐT nói: "Mô hình 2+2 chưa cho phép thực hiện điều đó. Nghĩa là thí sinh không được phép thi môn thứ 3, 4... vì sẽ xảy ra trùng lặp. Mặt khác, số thí sinh lựa chọn thi 3, 4 môn không nhiều và nếu các em thi quá nhiều môn cũng không đảm bảo được chất lượng trong khi xét tuyển vào đại học cũng chỉ sử dụng 1 tổ hợp. Phương án 2+2 này là phù hợp và tiết kiệm cho xã hội".
"Lãnh đạo Bộ GDĐT sớm chuẩn bị cấu trúc, định dạng và ngân hàng thi. Chúng tôi tổ chức hội thảo, chuyên gia thảo luận, hội đồng đã bàn về việc ra đề minh họa cho kỳ thi. Định dạng và cấu trúc kỳ thi năm 2025 thực hiện theo nguyên tắc đáp ứng được mục tiêu đánh giá năng lực. Bên cạnh đó, đề thi phải có tính kế thừa vì học sinh thi năm 2025 chỉ có 3 năm học chương trình mới. Chúng tôi cũng phải cân đối giữa các môn học khác nhau để tránh độ lệch quá lớn giữa các môn.
Ngay trong tháng 11, chúng tôi đã có buổi tập huấn đầu tiên cho giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp ở 63 tỉnh thành. Đợt tập huấn này được thực hiện bởi Trung tâm khảo thí Hoa Kỳ và hiện danh sách có hơn 3.000 giáo viên tham gia", ông Hà cho hay.
Về thời gian công bố đề minh họa, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nói: "Về nguyên tắc, khi học sinh học chương trình lớp 12 mới công bố đề minh họa. Bây giờ học sinh mới học lớp 11. Tuy nhiên, công bố cấu trúc đề thi sớm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên và học sinh ôn tập, mang tính định hướng nên Bộ GDĐT đã quyết định sau khi có định dạng cấu trúc đề thi sẽ có minh họa đề thi với nội dung sử dụng ở lớp 10, 11".
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Trước tranh cãi về hạn chế của thi trắc nghiệm, ông Hà cho hay: "Có nhiều đánh giá về hình thức thi trắc nghiệm hiện nay đơn giản vì vậy chúng tôi đã phát triển một số định dạng mới khắc phục hạn chế và tăng định dạng tư duy".
Chia sẻ về việc thí sinh học chương trình cũ bị trượt tốt nghiệp năm 2024 phải thi cùng thí sinh học chương trình mới năm 2025, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Bộ GDĐT sẽ tổ chức kỳ thi với 2 nội dung thi khác nhau cho thí sinh học chương trình cũ và thí sinh học chương trình mới. Các em học chương trình nào sẽ thi nội dung đó. Dù tốn kém kinh phí hơn nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh được thi đúng chương trình học để đạt kết quả tốt nhất".
Về việc thí sinh học tổ hợp này nhưng chọn môn lựa chọn ở tổ hợp khác được không, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: "Hiện nay có tới 9 tổ hợp môn và học sinh có thể thay đổi lựa chọn đến lớp 12. Phương án thi đã ghi rõ, 2 môn lựa chọn phải nằm trong chương trình học lớp 12 của học sinh. Việc này cũng là căn cứ để Bộ GDĐT đánh giá ngược lại về chất lượng dạy và học.
Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thực hiện giảm môn học bắt buộc và tăng môn lựa chọn để chuyển sang nền giáo dục học để làm, học theo thực tiễn chứ không phải học để thi".
Liên quan đến môn thi tiếng Anh bị loại khỏi danh sách môn thi bắt buộc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói: "Nếu thi môn ngoại ngữ bắt buộc, chúng ta phải tổ chức thi tới 7 môn. Ở đây không phải là các em không thi mà là các em được lựa chọn. Còn việc học ngoại ngữ không bị ảnh hưởng đến phương án này bởi các em được học từ năm lớp 3 và trải qua nhiều bài kiểm tra. Vào đại học, các em cũng phải đạt khung ngoại ngữ theo quy định mới được tốt nghiệp. Như vậy Bộ rất chú trọng đến việc học tiếng Anh và nó là xuyên suốt chứ không chỉ riêng 1 kỳ thi. Các môn học đều quan trọng như nhau".
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cũng cho biết, 2 năm qua, tuyển sinh đại học giữ ổn định và dù phương thức thi thế nào cũng không ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh đại học.
Trong năm qua, các trường cũng đã tổ chức nhiều kỳ thi riêng theo định hướng chương trình GDPT 2018, tạo thuận lợi cho thí sinh có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, các em không tham được kỳ thi này vẫn còn nhiều phương thức khác như thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ... Các phương thức này vẫn ổn định trong các năm tới.
Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp trung học phổ thông thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.