Ngày 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã bế mạc sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đánh giá cao thành công kỳ họp, nhấn mạnh Quốc hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như niềm tin của cử tri cả nước.
"Điều này thể hiện qua việc Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc đồ sộ với nhiều luật, nghị quyết quan trọng được thông qua bằng cách làm sáng tạo, linh hoạt", đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu rõ.
Theo đại biểu, sự sáng tạo, linh hoạt này được thể hiện qua việc chia kỳ họp làm 2 đợt để có khoảng thời gian giữa 2 đợt cho các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị tốt hơn các dự án luật, nâng cao chất lượng của các văn bản.
Thứ hai, trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp lần này, thay vì chất vấn từng Bộ trưởng, từng vấn đề, hoạt động chất vấn đã được tiến hành theo nhóm vấn đề. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá rất cao cách thức làm việc này, giúp các Bộ trưởng đã có sự chủ động nhất định và thể hiện trách nhiệm của mình rất rõ ràng qua chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thêm vào đó, đại biểu Bùi Hoài Sơn cũng đánh giá cao cả sự thận trọng của Quốc hội trong việc đưa ra quyết định, đặc biệt là trước những vấn đề mới được đưa ra tại kỳ họp lần này.
"Ví dụ như Luật đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua trong kỳ họp này. Rõ ràng sự thận trọng này là vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đó là những điều tôi đánh giá rất cao trong kỳ họp lần này", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Long - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đánh giá cao các luật, nghị quyết quan trọng được thông qua tại kỳ họp lần này, sau khi đã được chuẩn bị kỹ càng và có sự đánh giá thấu đáo.
"Tôi đặc biệt nhấn mạnh vào các nghị quyết bởi các nghị quyết này sẽ là xác định những nội dung nhiệm vụ rất cụ thể mà chúng ta phải thực hiện trong thời gian tới, thiết thực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống các nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế xã hội, nghị quyết về chất vấn, nghị quyết cả kỳ họp cũng xác định những nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan phải thực hiện. Có thể nói việc chuẩn bị các nghị quyết này rất kỹ lưỡng và tôi đánh giá rất cao việc chuẩn bị này", đại biểu Long nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng có nhiều dự án luật với nhiều nội dung phức tạp cũng đòi hỏi cần được lắng nghe thêm các ý kiến đóng góp, xây dựng. Qua kinh nghiệm của một số kỳ họp gần đây, kỳ họp được tổ chức làm 2 phiên, theo đại biểu Long việc này đã tạo ra một cơ chế rất tốt để có đủ thời gian xử lý những vấn đề phát sinh.
"Ví dụ như kỳ họp này, những nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi) hay Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thì dứt khoát cần có thời gian để xem xét một cách rất thấu đáo những nội dung đặt ra, bởi khi đã ban hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quốc kế dân sinh, ảnh hưởng đến người dân", đại biểu Long nhấn mạnh.
Cũng đánh giá cao việc Quốc hội tổ chức kỳ họp chia làm 2 đợt, trong đó có một tuần đệm để các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp thu, giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng đây là một đổi mới rất phù hợp với tình hình hiện tại.
Theo đại biểu, với một khối lượng công việc lớn qua mỗi kỳ họp, nếu như không tuần đệm thì các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ sẽ phải làm việc rất vất vả và áp lực trong quá trình tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, dẫn đến khó tránh khỏi chất lượng công việc chưa được như kỳ vọng.
"Đây là lần thứ 2 Quốc hội tổ chức kỳ họp theo hình thức chia làm 2 đợt và giữa 2 đợt có khoảng thời gian nghỉ để các cơ quan liên quan làm việc. Qua cách làm này tôi thấy chất lượng của các báo cáo giải trình cũng như là chất lượng tiếp thu các dự án luật được nâng lên rõ rệt", đại biểu Nga cho biết.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng bày tỏ mong muốn, hình thức này sẽ được Quốc hội duy trì qua các kỳ họp thường kỳ để các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội có thời gian tiếp thu, giải trình một cách kỹ lưỡng hơn.
Đối với các đại biểu Quốc hội, có một tuần đệm như vậy sẽ giúp các đại biểu có thời gian để xem xét tiếp các vấn đề, các dự án luật cũng như là những vấn đề quan trọng được trình Quốc hội vào cái đợt họp tiếp theo một cách kỹ lưỡng và có hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra với nhiều quyết sách đã được Quốc hội quyết định, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng, kỳ họp cũng ghi nhận nhiều đổi mới về phương pháp làm việc của Quốc hội, từ thảo luận tổ tới thảo luận tại hội trường, chất vấn, trả lời chất vấn, cho ý kiến vào các dự án luật, công tác chỉ đạo, điều hành các phiên họp đã phát huy dân chủ, khơi gợi trí tuệ của đại biểu.
Cách điều hành tại các phiên họp đã phát huy tính dân chủ cao, đại biểu có thể tranh luận nhiều lần để đi tới cùng để làm sáng tỏ, minh bạch các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn. Đại biểu Tuấn cho rằng qua thảo luận, tranh luận đã góp phần tạo cơ sở, nền tảng để Chính phủ và các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hơn trong quá trình triển khai các quy định trong luật, tạo điều kiện việc thực thi hiệu quả cao hơn.
Đại biểu đoàn TP.HCM nhấn mạnh, sau khi Quốc hội ban hành luật, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung nguồn lực, phối hợp tốt trong xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn luật, nghị quyết để triển khai nhanh vào cuộc sống.
Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương với các đơn vị trong cơ quan ban hành quy định đó cần được thực hiện tốt và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, nêu rõ thời gian hoàn thành.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, giám sát tiến độ, chịu trách nhiệm về việc ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn, để khi luật có hiệu lực có ngay văn bản hướng dẫn triển khai trong thực tế.
Đại biểu Tuấn cũng bày tỏ kỳ vọng, trong triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội cho năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan thực thi chính sách cần quyết liệt hơn, cần đưa ra các chỉ đạo, điều hành mạnh mẽ, quyết đoán hơn nữa trong thời gian tới.
Các bộ, ngành, địa phương cần triển khai công việc cụ thể tới từng cán bộ, viên chức thực thi nhiệm vụ. Cùng với việc chỉ đạo, điều hành, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giám sát, kiểm tra về chất lượng, tiến độ thực hiện để tham mưu, kịp thời ban hành chính sách phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội trong năm 2024.
Còn theo đại biểu Nguyễn Công Long, sau khi kỳ họp kết thúc, cần phải bắt tay ngay vào hoàn thiện những dự án luật, dự thảo nghị quyết cho kỳ họp tới trong bối cảnh thời gian rất eo hẹp, chưa kể Quốc hội đã phải triển khai ngay các chương trình về giám sát, những nội dung quan trọng mà nghị quyết của Quốc hội đã thông qua.
Do đó, thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải tập trung cao độ, phát huy cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện các tốt nhiệm vụ. Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, điều này đặt ra một vấn đề là tỷ lệ đại biểu chuyên trách phải tăng lên để đáp ứng yêu cầu này, qua đó giúp triển khai công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của nhân dân.