Dân Việt

Không thể thương mại hóa quan hệ thầy – trò

Đặng Tự Ân 02/12/2023 15:52 GMT+7
Ở Việt Nam cũng như các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản, hoạt động dạy thêm học thêm (DTHT) cũng rất khác các nước khác về bản chất, quy mô cũng như về biện pháp quản lý.
Không thể thương mại hóa quan hệ thầy – trò - Ảnh 1.

Giảm áp lực thi cử cũng là để giảm dạy thêm, học thêm. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

DTHT ở ta có quy mô rộng, diễn ra ở tất cả các vùng miền và luôn biến tướng tiêu cực, ảnh hưởng tâm lý học sinh. Có thể nói, DTHT (tiêu cực) hiện nay thực sự đã xói mòn môi trường văn hóa học đường, vốn rất cần sự lành mạnh và nhân văn.

DTHT diễn ra trong nhà trường, chủ yếu là hoạt động giữa thầy và trò. Vì thế không thể hiểu đây là hoạt động của toàn xã hội, được phép hoạt động như một loại hình kinh doanh có điều kiện, một hoạt động thu lời từ xã hội hóa. Nhà trường không thể có quan hệ mua và bán kiến thức như hàng hóa, giáo dục ở ta càng không thể giống như ở một số nước khác. Nhiều nước châu Á đã cấm DTHT vì việc này quá coi trọng mục tiêu thu nhập hay vì sự tăng trưởng, làm giàu cho cá nhân, cho các công ty và trung tâm DTHT.

Chính phủ Trung Quốc đã có rất nhiều biện pháp kiểm soát gắt gao DTHT, trong đó một thời cho phép kinh doanh DTHT, nhưng sau đó đã bỏ quy định này và quay trở lại nghiêm cấm, xử phạt DTHT rất nặng.

Việc không quản lý tốt DTHT tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công cuộc đổi mới giáo dục cũng như làm trầm trọng thêm các bất cập nổi cộm trong các nhà trường.

DTHT đành rằng có thể giúp đỡ học sinh kém hay hổng kiến thức trầm trọng, đặc biệt tạo điều kiện để giáo viên hướng dẫn cách học cho học sinh hay đơn thuần chỉ là quản lý học sinh để cha mẹ đi làm. Cơ bản DTHT vẫn là ôn tập kiến thức hay nội dung nâng cao trong chương trình chính khóa. Nếu vậy sẽ gây quá tải cho học sinh. Ở trường học sinh đã phải ghi nhớ-phân tích-xử lý số liệu, rồi khi tan trường, DTHT lại tiếp tục bài học như vậy. Nhà trường DTHT để rèn luyện tư duy phê phán, phát triển năng lực sáng tạo, giao tiếp và hợp tác mới thực sự phù hợp mục tiêu của chương trình phổ thông mới 2018.

DTHT không tự nguyện, không theo nguyện vọng của học sinh, tức là ép học sinh học thêm tại lớp hay tại nhà giáo viên, thực chất hành động ấy là bạo hành với học sinh. Vào mùa thi học sinh học thêm đến nỗi không còn thời gian ăn, ngủ, nghỉ ngơi . . . . và từ đó sức khỏe tâm thần của học sinh bị suy giảm do tác động xấu của DTHT.

Trước hết ta vẫn phải kiên trì theo đuổi mục tiêu đổi mới giáo dục, đó là lấy trọng tâm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học là hướng đi cho các nhà trường. DTHT ở ta thực chất là tăng cường kiến thức, để tăng điểm số trong học bạ và để vượt qua các kỳ thi và từ đây làm trầm trọng thêm bệnh thành tích trong nhà trường. Các kỳ thi học sinh giỏi ở THPT và THCS cần bỏ, đánh giá bài kiểm tra nên chỉ cần 3 mức mà không còn mức “vận dụng cao”. Tăng cường trải nghiệm cho học sinh, đổi mới cách dạy và cách học để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tuyệt đối học tập không là mục tiêu điểm số, vì chất lượng luyện thi và do DTHT quyết định. Thi tốt nghiệp THPT từ 2025 đã giảm từ 6 môn về 4 môn là một cách giảm áp lực, vô hiệu hóa dần DTHT.

Phụ huynh phải nhận thức việc học tập của con em mình cần thay đổi như thế nào để có lợi cho cuộc sống các em sau này. Học thêm bản chất là mục tiêu điểm số. Học thêm là phải ghi nhớ kiến thức càng nhiều càng tốt. Điều này rõ ràng không đúng và không quan trọng bằng việc trau dồi tư duy sáng tạo và nâng cao mọi mặt phát triển nhân cách học sinh. Nhà trường tăng cường quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng học tập thông qua trải nghiệm, qua học tập gắn với thực tế cuộc sống.

Cùng với đó là việc đầu tư cải thiện chất lượng giáo dục, nhất là vùng khó khăn. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Đặc biệt, cải thiện chính sách tiền lương cho giáo viên để họ sống được bằng chính nghề dạy học.

Công bằng mà nói, DTHT mặc dù có nâng cao điểm số nhưng tăng áp lực kinh tế lên gia đình và không đạt được mục tiêu của giáo dục đổi mới là dạy người, phát triển năng lực bản thân.