Video: Sì Thâu Chải, bản người Dao đẹp như tranh ở Lai Châu, khách ta tò mò, khách tây thích thú.
Sì Thâu Chải nằm ở lưng chừng dãy núi Pu Ta Leng thuộc địa phận xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường, Lai Châu), bản nằm trên độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, nằm cách thị trấn Tam Đường hơn 5km, với 60 hộ dân, chủ yếu là bà con người Dao sinh sống.
Trên cung đường đến Sì Thâu Chải du khách sẽ ngỡ ngàng trước phong cảnh thiên nhiên hiếm có, một bên là những thửa ruộng bậc thang trải dài, trên cao là những cánh rừng già xanh mướt. Xa xa thác Tác Tình ngày đêm ầm ì, theo những người già kể lại, Tác Tình là nơi gắn với truyền thuyết về câu chuyện tình yêu của đôi trai gái người Dao. Cái tên Tác Tình trong tiếng Dao miêu tả hình ảnh thác nước từ trên cao đổ xuống. Đứng dưới thác nước tung bọt trắng xóa, hưởng cảm giác mát lạnh, mỗi du khách sẽ không khỏi thốt lên trầm trồ, trước khung cảnh tuyệt đẹp ấy thực sự ấn tượng và khó quên.
Nếu ai có dịp trở lại Sì Thâu Chải hôm nay, có lẽ sẽ không khỏi ấn tượng với những đổi thay của bản làng nơi đây. Con đường dẫn vào bản được lát đá phẳng phiu, hai bên đường đi là những bức tường đá, một vài chỗ bà con cho làm tượng con gà, lợn, gấu… rất vui nhộn.
Sát hai bên đường đi là những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, tuy được xây dựng khá đơn giản nhưng rất ấn tượng với du khách. Trước những ngôi nhà gỗ, nhà trình tường truyền thống, chiếc cổng được bà con làm chủ yếu bằng gỗ kè đá với nhiều hình dáng độc đáo, trên mỗi chiếc cổng đều được trồng hoa leo rất bắt mắt.
Không chỉ dừng ở đó, với mỗi du khách tới đây đều cảm nhận một không gian mộc mạc, cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch đẹp với nhiều loài hoa đua nở như hoa hồng, hoa địa lan, hóa đào, mận được trồng hai bên đường đi, trong vườn và đua nở trên những sườn núi.
Du khách đến với bản sẽ được khám phá những nét văn hóa độc của người Dao, được vui chơi và thưởng thức những món ăn độc đáo như thịt gác bếp, lợn bản, gà bản và các loại rau do bà con tự trồng.
Chia sẻ với chúng tôi, em Tẩn Thị Gôn, một hộ gia đình làm du lịch tại bản cho biết: Năm 2015, huyện Tam Đường đã quan tâm đầu tư, mở rộng, nâng cấp và rải nhựa con đường mòn cũ lên bản Sì Thâu Chải nên việc đi lại trở nên thuận lợi hơn. Từ đó người Dao chúng em ở bản Sì Thâu Chải đã bắt đầu có tư duy làm du lịch tiến bộ, sẵn sàng góp thêm tiền cùng chính quyền làm đường lát đá, đường bê tông trong bản.
Song song với việc chỉnh trang, giữ gìn vệ sinh môi trường, làng bản, chúng em tự mày mò và tham gia các lớp hướng dẫn viên du lịch, học nấu những món ăn truyền thống của người Dao và những món đặc sản của địa phương để phục vụ du khách.
"Hiện Sì Thâu Chải có hơn 10 hộ gia đình có homestay, du khách có thể lưu trú bao lâu tùy thích, Đến Sì Thâu Chải chúng em, ngoài được vui chơi, ngắm cảnh, du khách còn được khám phá, trải nghiệm cuộc sống của người Dao với bà con trong bản; được khám phá nét văn hóa của người Dao qua lễ Cấp Sắc, Tủ Cải hay trải nghiệm những môn thể thao mạo hiểm như leo núi, bay dù lượn…" em Gôn hồ hởi nói.
Sì Thâu Chải hôm nay khoác lên mình chiếc áo nhiều màu sắc. Từ khi bà con phát triển bản thành bản du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, bản làng đã thay đổi rõ rệt, khang trang và tươi đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây cũng được cải thiện tốt hơn trước rất nhiều.
Chia sẻ về những đổi thay của bản làng ở Sì Thâu Chải, chị Phạm Thục Quỳnh, một cô giáo miền xuôi gắn bó với bản Sì Thâu Chải hơn 7 năm cho hay: Trước đây, bản Sì Thâu Chải rất nghèo, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, sắn, thu nhập rất bấp bênh.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là giao thông, con đường lên bản là đường đất, dốc cao, rất khó đi vào mùa mưa. So với những năm tháng đó, Sì Thâu Chải hôm nay đã đổi thay rất lớn, nhờ thay đổi tư duy sản xuất và phát triển du lịch, người dân nơi đây đã tích cực trang trí lại nhà cửa, chỉnh trang khuôn viên, trồng thêm nhiều loài hoa, cây cảnh. Con đường lên bản cũng được Nhà nước và người dân chung tay xây dựng, giờ được trải bê tông từ thị trấn lên tới tận bản nên việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Không chỉ thay đổi về cảnh quan, bà con nơi này đã rất chú trọng đến việc tự thay đổi mình trong cách phục vụ, giao tiếp cũng như mày mò học nấu những món ăn độc đáo, đặc trưng của dân tộc mình để tiếp đón du khách. Người dân trong bản cũng rất đoàn kết, biết động viên nhau giữ gìn bản làng để phát triển du lịch.
Với những du khách tới Sì Thâu Chải lần đầu, chắc sẽ khó để hình dung cái nghèo đeo bám bản làng ngày xưa. Ngày nay, ai đến với Sì Thâu Chải đều có chung cảm nhận sâu sắc về một bản du lịch không chỉ đẹp, nhiều nét văn hóa độc đáo mà còn thân thiện mến khách. Chia sẻ với chúng tôi, chị Bùi Thanh Hà, du khách tới từ Hà Nội cho biết: Không khí nơi đây rất trong lành, bản làng tươi đẹp, người dân rất mến khách. Tôi cảm nhận được sự nỗ lực trong sản xuất cũng như việc bà con đang dồn sức xây dựng bản làng để làm du lịch.
Khó có thể hình dung, từ một bản vùng cao nghèo, nay Sì Thâu Chải đã "lắc mình" trở thành bản du lịch cộng đồng được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm tới khám phá. Những năm gần đây, huyện Tam Đường đang tăng cường liên kết với các câu lạc bộ dù lượn, tổ chức bay dù lượn hằng năm vào các dịp lễ hội ở địa phương, qua đó quảng bá thêm hình ảnh về con người, cảnh vật, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Dao ở bản Sì Thâu Chải, nhờ đó lượng du khách và các phi công từ các nước châu Âu, châu Á đến khám phá và trải nghiệm tăng cao theo từng năm.