Ngày 8/3/2016, chị Bùi Thị Dung nằm lên bàn mổ để phẫu thuật lấy khối u ở ngực. Khi ấy, nằm nghĩ về những ngày 8/3 của những năm trước, chị được tri ân, được sống vui vẻ và đón chào những tia nắng của sự hạnh phúc. Nhưng hiện thực lại khiến chị quá đỗi đau lòng.
"Hôm nay, tôi lên bàn phẫu thuật cắt một bên ngực mình, bỏ đi cái vẻ đẹp thiêng liêng nhất của người phụ nữ", chị Dung thầm nghĩ.
Chị Bùi Thị Dung (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) vốn là bà chủ của một tiệm phở lớn. Hàng ăn lúc nào cũng đông nghịt khách, có thể bán hơn 2.500 tô phở/ngày cho các công ty, với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Công việc bận rộn nên chị Dung thường không có thời gian chăm sóc sức khỏe cho mình.
Bỗng một ngày, đôi cánh tay đau nhức đến mức chị không còn cầm nắm được đồ vật. Vì vậy, chị quyết định khám tổng quát, rồi phát hiện mình có khối u ở ngực, nách và cổ.
Những tưởng chỉ cần phẫu thuật là hết, nhưng chị bàng hoàng hay tin mình bị ung thư vú, giai đoạn 3B.
Khoảnh khắc ấy, những tài sản to lớn, những ham muốn vật chất ngày thường dần trở nên vô nghĩa.
Đối với chị, giờ đây chị chỉ nghĩ đến cái chết.
"Tôi bắt đầu chuỗi ngày xạ trị. Tóc rụng, móng tay, bàn tay, chân chuyển sang đen. Tôi từ nặng hơn 60kg, không ăn được nên chỉ còn 40kg", chị Dung bộc bạch.
Thứ chị sợ nhất là chứng kiến hình hài gầy gò, thiếu sức sống của mình trong gương. Chị Dung cố né tránh và bật khóc hằng đêm, chị ước, ước tất cả chỉ là một cơn ác mộng.
"Tôi trầm cảm. Tôi muốn chết và nhốt mình trong phòng. Gia đình tôi sốc lắm, ai cũng tìm các chạy chữa từ phương thuốc này đến phương thuốc khác. Tất cả chỉ làm tôi thêm mệt mỏi và muốn đến gần với cái chết hơn", chị Dung nhớ lại.
Bước vào các tháng xạ trị nhưng không mấy tiến triển, tinh thần chị càng suy sụp.
Ở tháng thứ 8, chị Dung bỏ nhà ra đi.
Chị mang theo duy nhất một chiếc điện thoại di động, không biết mình phải đi đâu.
"Lúc đó tôi… bận suy nghĩ mình nên chết thế nào cho không phiền người khác. Nhưng thuê trọ rồi tự tử thì tội chủ trọ, nhảy cầu thì tội người vớt xác, chi bằng tôi tự đi mua thuốc ngủ uống rồi dần lịm đi ở đâu đó…", chị kể.
Trong lúc đang ở ngưỡng chết, chị nhận được dòng tin dài của người con trai út.
Con trai chị sinh năm 2004, là con út trong gia đình có 4 người con. Chị Dung bộc bạch, chị sinh con khi bản thân đã 43 tuổi, có tiền sử bệnh tim.
"Người ta khuyên tôi bỏ con vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Giờ con sống khỏe mạnh, tôi lại bỏ con mà đi. Con nhắn cho tôi nhiều lắm, van xin mẹ ở lại cùng các con. Lúc đó tôi chợt tỉnh ra, rồi quay về nhà", người mẹ như chị Dung chợt xúc động.
Lần quay về nhà ấy, chị ví đó như lần trở về từ cõi chết của mình.
Chị bắt đầu sống tích cực hơn, lắm nghe tư vấn của bác sĩ nhiều hơn và tập luyện chăm chỉ hơn.
Số tiền chị có, chị mang đến chia sẻ, giúp đỡ cho những người bị ung thư vú giống như chị, mà chị thường gọi họ là những người "đồng bệnh".
Thấy sức khỏe tiến triển tốt, chị Dung quay về với đam mê nấu ăn của mình. Người phụ nữ này còn cùng chồng, các con nấu cháo gà nấm, phát cho các người bệnh cùng phòng mỗi lần vào viện.
Thời gian điều trị bệnh, chị còn mở lớp dạy làm bánh miễn phí cho bệnh nhân ung thư.
Sau 5 năm vật vã với đau đớn, chị Dung chiến thắng căn bệnh ung thư vú.
"Cứ ngỡ sẽ chết, nhưng hóa ra… không chết", người phụ nữ bật cười.
Tháng 2/2021, quán phở của chị Dung cũng bắt đầu mở bán trở lại. Ở đó, những thực khách thường xuyên lui tới cũng chính là các "đồng bệnh" của chị Dung. Chị sẵn sàng hướng dẫn công thức nấu phở cho bất kỳ ai muốn khởi nghiệp.
Tháng 6/2023, quán phở của chị còn được bình chọn là 29 nhà hàng và cơ sở kinh doanh thực phẩm được trao giải Bib Gourmand (quán ăn ngon với giá cả phải chăng) của Michelin.
Đứng trên bục phát biểu, trước mặt 150 "đồng bệnh" và các bác sĩ, chị Dung nói: "Tôi đã vượt qua được cửa tử bằng sự yêu thương. Bí quyết của tôi chính là luôn vui tươi, nở nụ cười từ sáng đến tối. Các bạn ở đây, dù có đang chiến đấu với ung thư, các bạn cũng không chiến đấu một mình!".
Dứt lời, hàng trăm phụ nữ cũng từng trở về từ "cửa tử", sau khoảng thời gian điều trị ung thư vú đã vỗ tay, tỏ vẻ đồng cảm với chị.
Đó là khung cảnh vào chiều 5/12, tại diễn đàn cho người bệnh ung thư vú "Bạn không chiến đấu một mình".
Đây là sự kiện được Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức.
Tham dự buổi diễn đàn có Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Giám Đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng, đại diện các bệnh viện và đặc biệt có sự góp mặt của 150 người bệnh ung thư vú tại các tỉnh phía Nam.
Tại sự kiện, TS Hoàng Thị Lề, đại diện công ty TNHH Thảo Dược Đại Thiên Nương, đã trao tặng 155 phần quà đến các bệnh nhân ung thư vú. Theo bà Lề, những món quà sẽ thay cho lời động viên từ bản thân nói riêng và xã hội nói chung dành cho những người phụ nữ đã và đang chiến đấu với bệnh ung thư vú.
"Tôi rất vui mừng được có mặt ở đây, khi nhận được lời mời của Quỹ, dù công việc của tháng cuối năm rất bận rộn nhưng việc đồng hành chung tay vì "Phụ nữ tôi yêu" luôn là ưu tiên hàng đầu", bà Lề nói.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh cho biết mục đích của chuỗi diễn đàn ở Hà Nội và TPHCM nhằm tư vấn, cập nhật những thông tin chính thống về chẩn đoán và điều trị, giải đáp các thắc mắc của người bệnh trong và sau điều trị.
Theo PGS.TS Huỳnh Quang Khánh, Trưởng đơn vị tuyến vú, Bệnh viện Chợ Rẫy, những giai đoạn quan trọng nhất đối với việc chữa trị ung thư vú chính là tầm soát, chữa trị đa phương thức, chăm sóc. Nếu phát hiện sớm, cơ hội chữa lành cho bệnh nhân càng cao.
Ngoài chữa trị bằng các phương pháp y học, việc ổn định tâm lý của bệnh nhân cũng rất quan trọng.
"Thời gian qua, bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện nhiều hoạt động như kệ sách, khu sinh hoạt,... cho bệnh nhân ung thư vú và ghi nhận những thay đổi rất tích cực", ông nói.
Được biết, diễn đàn là hoạt động nằm trong khuôn khổ của chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú mang tên "Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu" năm 2023, dành riêng cho những chiến binh hồng trên toàn quốc.
Hơn 10 năm thực hiện, chiến dịch đã khám tầm soát miễn phí cho hơn 72.000 phụ nữ trên toàn quốc. Hàng nghìn phụ nữ đã được hướng dẫn cách chăm sóc ngực, cách phát hiện bệnh sớm, cách phòng bệnh hiệu quả và giải đáp những thông tin liên quan đến căn bệnh ung thư vú thông qua chuỗi chương trình "Bác sĩ tư vấn (Dr Talk)" do Quỹ tổ chức.
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2020 có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có tới gần 685.000 trường hợp tử vong. Tại châu Á, hiện chiếm tới 45% số ca ung thư vú toàn cầu và số ca mắc ung thư vú dự kiến sẽ tăng 20,9% và tỷ lệ tử vong tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030.
Ở Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới với 21.555 người mới được phát hiện bệnh và 9.345 bệnh nhân tử vong.
Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.