- Xin ông cho biết, thực hiện Chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, trong nhiệm kỳ qua Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã thành lập được bao nhiêu chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân?
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Khóa VII về xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch vững mạnh, đặc biệt là Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5/8/2019 về đẩy mạnh xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân, trên cơ sở nắm vững quan điểm, mục tiêu và vận dụng sáng tạo, linh hoạt đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết vào thực tiễn của địa phương.
Trong nhiệm kỳ qua, từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Khóa VII đã tạo điều kiện để Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo, tổ chức và thành lập nhiều chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ, mô hình thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia:
Trên cơ sở bám sát vào tiêu chí "5 tự", đó là tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và tiêu chí "5 cùng", đó là cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 74 Chi hội nghề nghiệp với 1.756 thành viên, đạt 231% so với NQ 04; theo chỉ tiêu hằng năm mỗi huyện phải thành lập 01 chi hội nghề nghiệp (trong đó có 14 Chi hội nghề nghiệp trong Hợp tác xã, với 293 thành viên). Thành lập 1.200 tổ hội nghề nghiệp với 13.469 thành viên; đạt gần 200% so với NQ 04; theo chỉ tiêu hằng năm mỗi cơ sở phải thành lập 2 tổ hội nghề nghiệp (trong đó có 23 tổ hội nghề nghiệp trong hợp tác xã (HTX) với 231 thành viên và 190 tổ hội nghề nghiệp trong tổ hợp tác (THT với 1.541 thành viên), đã tạo tiền đề cho tỉnh vươn lên trong xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác đạt kết quả cao góp phần để Hậu Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 12,27% xếp thứ 2 cả nước.
Bên cạnh, chỉ đạo đa dạng hóa các loại hình câu lạc bộ đến nay đã thành lập: 75 câu lạc bộ "Nông dân học tập và làm theo gương Bác", với 1.270 thành viên; 75 câu lạc bộ "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", với 2.112 thành viên; 2 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật", với 76 thành viên; 8 câu lạc bộ "Nông dân với an toàn giao thông" với 125 thành viên.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang còn có cách làm sáng tạo như: Thành lập 372 tổ dặm, vá đường, với 2.689 thành viên; 308 tổ vệ sinh môi trường, với 1.548 thành viên; 145 tổ thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, với 1.034 hành viên; xây dựng 75 mô hình tự quản về an ninh trật tự, với 755 thành viên; 9 tổ cứu hộ, cứu nạn giao thông, với 70 thành viên hoạt động có hiệu quả từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội…
- Thưa ông, ông có thể giới thiệu một điển hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp điển hình, phát huy được hiệu quả hoạt động trong thời gian qua?
Phải khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ qua chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp ở Hậu Giang hoạt động khá hiệu quả, rất nhiều điển hình có thể giới thiệu như Chi Hội nghề nghiệp nuôi lươn ấp 8, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ.
Sau 7 tháng từ khi Nghị quyết 04 của Trung ương Hội ra đời, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã thành lập được chi Hội Nông dân nghề nghiệp đầu tiên của tỉnh vào ngày 28/2/2020, với tên gọi "Chi Hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn ấp 8", xã Thuận Hưng, với 38 thành viên. Chi hội bầu ra Ban Chấp hành Chi Hội và Chi Hội Trưởng trực tiếp hoạt động với sự quản lý của Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở. Tổ chức hội nghị nhiệm kỳ đề ra nghị quyết, kế hoạch hoạt động cụ thể và theo tiêu chí " 5 tự, 5 cùng".
Ngày mới thành lập với 38 thành viên, diện tích ao nuôi 980m², số lượng 760 triệu con lươn giống, thì sau 1 năm hoạt động diện tích ao nuôi, chuồng trại cũng như con giống nuôi của các thành viên được tăng lên gấp 3 lần. Từ đó, có thể khẳng định rằng trong quá trình hoạt động chi hội đã mang lại hiệu quả rất thiết thực góp phần tăng năng suất và lợi nhuận, nhờ áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất.
Sau 9 tháng thành lập, từ nền tảng "Chi Hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn ấp 8" đã phát triển thành HTX nuôi lươn Thịnh Phát (vào tháng 11/2021), đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao cho các thành viên.
Từ chi Hội nghề nghiệp đầu tiên được thành lập ở ấp 8, phong trào đã được nhân rộng sang ấp 6 và đã thành lập thêm được "Chi Hội Nông dân nghề nghiệp nuôi lươn ấp 6" (thành lập 12/2021), với 49 thành viên và cũng phát triển lên thành HTX nông nghiệp thương mại, dịch vụ chăn nuôi Duy Linh (vào 28/12/2022), hoạt động rất hiệu quả. Qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương là điểm sáng để xã Thuận Hưng đạt chuẩn xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, tạo lòng tin của hội viên đối với Chi Hội, từ đó thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội, góp phần cho công tác Hội và phong trào nông dân Hậu Giang ngày càng phát triển.
- Để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa tổ chức Hội ở cơ sở, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang có những đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang có 8 tổ chức Hội cấp huyện; 75 cơ sở Hội; 589 Chi hội, trong đó có 515 Chi Hội theo địa bàn dân cư và 74 Chi hội nghề nghiệp; 3.484 Tổ hội, trong đó có 1.200 Tổ hội nghề nghiệp, với 123.315 hội viên, đạt 93,25% số hộ nông dân.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy hiệu quả, thành lập mới nhiều hơn nữa tổ chức hội ở cơ sở, Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang có những đề xuất giải pháp, như sau:
Thứ nhất: Tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, có thêm nhiều chính sách để chăm lo cho nông dân, nhất là quan tâm về công tác cán bộ từ tỉnh đến cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục quan tâm mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở ấp, khu vực và mức hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khu vực.
Bởi lẽ, cán bộ Hội từ cơ sở nếu hoạt động tốt chắc chắn sẽ góp phần nâng chất lượng hoạt động nói chúng, trong đó có công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh nhà nói riêng ngày càng phát triển hơn.
Thứ hai: Các cấp chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện nhiều hơn nữa, nhất là hỗ trợ từ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội giúp tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng mô hình, tổ chức sản xuất, mở rộng qui mô sản xuất góp phần phát triển các mô hình kinh tế tập thể, qua đó đổi mới phương thức vận động và đổi mới cách tập hợp nông dân vào tổ chức Hội.
Thứ ba: Kế thừa và phát huy công tác phối hợp cũng đề xuất các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ trong tạo điều kiện để tổ chức Hội tham gia xây dựng chương trình đề án, nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí trong công tác thi đua, khen thưởng, để khen những đối tượng trực tiếp lao động sản xuất, cán bộ chi, tổ hội, tổ hợp tác, HTX; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào hoạt động của tổ chức hội, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong hội viên, nông dân tại địa phương tạo động lực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Xin ông cho biết kế hoạch hành động của Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết?
Sau Đại hội, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh yêu cầu các cấp hội tổ chức triển khai, quán triệt nghiêm túc, sâu rộng nội dung Nghị quyết Đại hội đến các tổ chức Hội, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh.
Xác định các chương trình, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá trong văn kiện để cụ thể hóa các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội. Yêu cầu các cấp Hội bám sát các nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nông dân.
Tổ chức Hội các cấp phải xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong hệ thống Hội Nông dân của tỉnh, sự đồng tình, ủng hộ của nông dân. Cán bộ, hội viên có trách nhiệm nghiên cứu sâu các nội dung của Nghị quyết, liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế của tổ chức Hội ở địa phương.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh sẽ lĩnh hội và tiếp thu những nội dung mới được Đại hội thông qua để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình hành động và triển khai đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh trong thời gian sớm nhất, đảm bảo đúng quy định của cấp trên.