Tại kỳ họp, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đỗ Thị Minh Quân cho biết, các đại biểu nhìn nhận tiến độ thực hiện Nghị quyết 80 của HĐND TP về cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn chưa đạt theo yêu cầu.
Đại biểu đề nghị TP sớm triển khai thực hiện cụ thể hóa các nội dung này, sớm bố trí cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đối với địa phương đông dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho hay, đội ngũ cán bộ của TP hiện vừa phải xử lý công việc tồn đọng, vừa thực hiện những nhiệm vụ mới. Trong khi đó, dân số TP.HCM ngày càng tăng thêm nhưng biên chế lại giảm đi khiến cán bộ ngày càng áp lực.
Đại biểu mong TP.HCM tiếp tục đeo bám, có kiến nghị với Bộ Nội vụ để tăng thêm biên chế cho TP. Đồng thời, TP vận dụng các cơ chế theo Nghị quyết 98 để bổ sung, tăng số lượng cán bộ cho các sở, ngành và địa phương tùy theo tính chất địa bàn, dân số…
Còn đại biểu Huỳnh Khắc Điệp bày tỏ kỳ vọng về việc giảm tải áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31, đã quy định HĐND TP được xem xét quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tùy vào quy mô dân số, đặc điểm kinh tế, địa bàn. Nghị quyết 98 cũng quy định rõ nội dung này.
Sau đó, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết liên quan, quy định việc tăng phó chủ tịch và cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã trên 50.000 dân.
Theo đề án của UBND TP, đến ngày 1/12 phải triển khai xong nội dung nêu trên nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong do TP chưa có đề án chính thức về việc tăng biên chế. Theo đại biểu Điệp, TP.HCM có chủ động tăng biên chế được thì mới bổ nhiệm được cán bộ nhưng hiện nay theo quy định của Chính phủ thì TP.HCM không còn biên chế để phân bổ nữa.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương về giao biên chế năm 2023 cho TP.HCM thì con số này vẫn là 7.134 người.
"Đây là con số kéo dài rất nhiều năm, TP.HCM đã có kiến nghị nhưng chưa được Trung ương ghi nhận", ông Nhân nói. Ông cho biết năm 2022, Bộ Nội vụ đã ghi nhận thực tế biên chế của TP để kiến nghị Ban Tổ chức trung ương. Hiện nay số biên chế của TP.HCM cao hơn số biên chế được Trung ương giao là 2.600 người.
Dựa trên những khó khăn của TP.HCM, ông Nhân cho biết Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP số lượng biên chế năm 2024 tiếp tục giữ nguyên như năm 2023 là gần 13.700 biên chế.
Về việc bố trí biên chế là 52 phó chủ tịch cho phường, xã đông dân theo Nghị quyết 80 của HĐND TP, ông Nhân cho biết phải thực hiện đúng theo quy định giao biên chế của Ban Tổ chức Trung ương. Do đó, Sở Nội vụ đang phối hợp các cơ quan tham mưu Ban Cán sự Đảng kiến nghị Trung ương việc bố trí 52 phó chủ tịch này.
Dự kiến tháng 12 này, Ban Tổ chức Trung ương sẽ làm việc với Thường trực Thành uỷ TP về biên chế TP, ghi nhận và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về biên chế nhằm xem xét biên chế cho TP. Sau khi Chính phủ ban hành nghị định về bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thì sẽ TP có cơ sở bố trí số lượng cán bộ, công chức cho phường, xã, thị trấn đông dân.
Ông Nhân khẳng định: "TP.HCM vẫn đeo bám kiến nghị được tự chủ về biên chế, như Chủ tịch UBND TP.HCM đã có ý kiến đối với Trung ương rằng TP cần bố trí đủ, chứ không cần bố trí dư biên chế".