Sáng 7/12, Báo Người Lao Động đã tổ chức Talkshow "Làm sao để không rơi vào bẫy tín dụng đen?". Mục đích của sự kiện nhằm giúp người dân nhận thức rõ hơn nguy hiểm của việc vay lãi nặng; khi có nhu cầu vay thì cần vay ở đâu, thủ tục thế nào; trách nhiệm đối với khoản vay ra sao…
Thời gian qua, hoạt động tín dụng đen bùng phát. Đặc biệt là giai đoạn cuối năm, nhu cầu vay tiền của người dân càng gia tăng. Nhiều người thiếu hiểu biết, không cảnh giác đã rơi vào bẫy tín dụng đen, từ đó lâm vào cảnh đúng ngồi không yên khi phải trả lãi gấp nhiều lần số tiền gốc đã vay.
Tại Talkshow, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Viện KSND TP.HCM) cho biết thời gian qua, địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều vụ đòi nợ thuê bằng những hình thức như tạt sơn, tạt chất bẩn, uy hiếp người vay tiền hoặc người thân của họ.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng đen ngày càng tinh vi, với nhiều hình thức biến tướng. Ông Lâm Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM cho biết tín dụng đen đã len lỏi vào đời sống của đoàn viên, công nhân, người lao động tại các các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi, áp dụng công nghệ hiện đại thông qua ứng dụng trên điện thoại (app), qua tin nhắn hoặc gọi điện, qua mạng xã hội... chứ không còn đơn thuần là quảng cáo thông qua phát tờ rơi, dán trên các cột điện, bức tường.
Theo các chuyên gia, con mồi được các đối tượng tín dụng đen nhắm tới công nhân, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; những người có những sự cố trong cuộc sống; những người chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và đang đứng trước nhiều áp lực như trả nợ, bệnh tật, con cái... Nhiều người dân vì thiếu hiểu biết hoặc không quan tâm đến cách thức tính lãi suất đã dẫn đến tình trạng không đủ khả năng trả nợ, lãi chồng lãi.
Theo ông Vũ Phi Long - nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM cho biết theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc cho vay là thỏa thuận giữa hai bên nhưng không được vượt quá 20%/năm. Nhưng thực tế, mức lãi suất các nhóm tín dụng đen áp dụng với người vay đều vượt mức quy định nhiều lần. Trong khi đó, theo luật, chỉ cần vượt mức 5 lần là đã bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, các nhóm tín dụng đen có thủ đoạn tinh vi, đồng thời một số đối tượng nắm luật rất rõ để khống chế người vay. Một số đối tượng vẫn cho người lao động vay tiền bằng tài sản không chính chủ, thông qua hợp đồng miệng... Như vậy, các đối tượng luôn ở trong thế chủ động, ép người vay phải trả mức lãi suất khủng.
Các chuyên gia cho rằng, dù được cảnh báo về các nguy cơ khi vay vốn tín dụng đen nhưng vẫn có nhiều người dân, người lao động sập bẫy vì hình thức vay tiền qua tín dụng đen rất dễ dàng, nhanh chóng. Theo đó, người vay tiền không cần tài sản thế chấp, chỉ cần có CCCD hoặc giấy đăng ký xe chính chủ là có thể được vay, nhiều khi thủ tục vay chưa đến 60 phút. Những người đang cần tiền gấp lại càng dễ dàng sập bẫy.
Trong khi đó, người lao động khi muốn tiếp cận vay vốn ngân hàng thì gặp không ít khó khăn từ thủ tục, chứng minh tài sản, khả năng trả nợ.... Một số người thậm chí còn không đủ điều kiện vay vốn.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen thì cơ quan chức năng, chính quyền cần giám sát chặt hoạt động này tại địa phương. Lực lượng công an cần thường xuyên mở các chiến dịch điều tra, xử lý băng nhóm cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, những người bị hại, nạn nhân của tín dụng đen khi bị đe dọa, ảnh hưởng cuộc sống cần chủ động tố giác tội phạm.
Ngoài ra, điểm mấu chốt vẫn là giải toả nhu cầu cần được cấp vốn của người dân, các chuyên gia đề xuất Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động cho vay của các tổ chức, cá nhân cho vay chặt chẽ; tạo thủ tục đơn giản cho người vay được thuận lợi. Các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép phải thay đổi các hình thức, điều kiện vay để người lao động, công nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay.
Theo đó, hiện nay có nhiều tổ chức tín dụng kể cả lợi nhuận và phi lợi nhuận. Người lao động có thể liên hệ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại địa phương và các quỹ hỗ trợ vốn. Đồng thời, các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động nên quan tâm đối với các thỏa ước lao động, như điều kiện ăn ở, điều kiện làm việc; đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, người lao động.