Chủ tịch TP.HCM cho biết, trước tình hình khó khăn chung của cả nước và thế giới, TP.HCM bị ảnh hưởng rất nhiều, dự báo năm 2024 sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, TP.HCM đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ khi vừa triển khai nhiều chính sách mới, điển hình là Nghị quyết 98 phát triển đặc thù TP.HCM, vừa tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng. Dù chưa đạt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2023 nhưng đó là những kết quả rất quan trọng.
Về đầu tư công, ông Mãi cho biết, đến chiều 6/12, TP.HCM đã giải ngân 35.157 tỷ đồng, đạt 51,2%. Mặc dù xét về phần trăm chưa cao, nhưng ông Mãi nhấn mạnh, khối lượng này gấp đôi năm 2022 trong khi bộ máy, con người vẫn không tăng. TP đang gấp rút khắc phục các khó khăn, đảm bảo giải ngân đầu tư công đạt 95% đối với những dự án thuận lợi, không dưới 80% với những dự án lớn và tỷ lệ giải ngân không được thấp hơn so với năm 2022.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, TP.HCM phấn đấu tăng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8%.
"Đây là chỉ tiêu cao và thách thức. Nhưng đặt mục tiêu đó cũng là để thử thách chính mình và phấn đấu. TP.HCM xác định 3 kịch bản tăng trưởng, nếu tình hình bất lợi là tăng 5,62 - 5,69%, nếu tình hình không biến động thì tăng trung bình 6,29 - 7,05% và thuận lợi là tăng 7,13 - 7,95%", ông Mãi phân tích.
TP.HCM cũng xác định chủ đề năm 2024 là "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội". Để thực hiện chủ đề này, TP.HCM phải hoàn thiện nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu TP kết nối với nền tảng quốc gia; vận hành hệ thống thông tin quản lý đất đai và quản lý cấp phép xây dựng thống nhất trên địa bàn TP. TP cũng triển khai ứng dụng di động giao tiếp giữa chính quyền TP và công dân (app công dân); nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cơ sở.
TP.HCM đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 22% GRDP vào năm 2024 và 25% vào năm 2025. TP cũng đang tập trung hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP, sau đó là điều chỉnh quy hoạch phân khu.
Về thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TP.HCM sẽ tập trung tham mưu các văn bản dưới luật, xây dựng các cơ chế thuộc thẩm quyền của TP.HCM, đảm bảo đến đầu năm sau sẽ hoàn thành.
Trước ý kiến của đại biểu Lê Minh Đức về nguyên nhân vì sao 4 chương trình trọng điểm, đột phá của TP không đạt hiệu quả như mong đợi, ông Mãi cho biết, ban đầu thành phố đặt nhiều mục tiêu, kỳ vọng nên đề ra 4 chương trình trọng điểm với 49 đề án.
Tuy nhiên, khi sơ kết giữa nhiệm kỳ, nhìn lại thực lực của thành phố cũng như ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thực hiện có nhiều khó khăn.
Về nguồn lực, thành phố xác định dùng cả đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội nhưng chưa chuẩn bị được quy hoạch và cơ chế chính sách nên khó thu hút đầu tư. Trong 2 năm còn lại, ông Mãi cho biết sẽ xác định trọng tâm, trong điểm để hoàn thành các chỉ tiêu với kết quả cao nhất.
Về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế, nhưng do chưa rà soát quy hoạch, điều kiện pháp lý nên khi nhà đầu tư tìm hiểu thấy mất nhiều thời gian. TP.HCM đã lên danh mục 197 thu hút đầu tư nhưng chưa đạt kết quả. Thường trực UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan rà soát, những dự án nào có thể điều chỉnh đất đai, quy hoạch thì giữ lại và xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Đối với danh mục 41 dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế trình HĐND TP lần này, TP.HCM đã rút kinh nghiệm, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và vận dụng cơ chế theo Nghị quyết 98 để tăng tính khả thi.