Trong xã hội phong kiến ở Trung Quốc, không nên đánh giá thấp địa vị của các bà vú phục vụ triều đình hoàng thất. Đặc biệt là những bà vú từng phục vụ hoàng tử, địa vị của họ càng tăng lên sau khi hoàng tử lên ngôi, thậm chí còn cao quý như người sở hữu cấp bậc trong hậu cung.
Ví dụ như bà vú Vương của Hán An đế Lưu Hỗ (vị Hoàng đế thứ sáu của nhà Đông Hán, cũng là vị hoàng đế thứ 21 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc), hay bà vú của Minh Hi Tông Chu Do Hiệu thậm chí còn được phong thành "Bảo thánh hiền thuận phu nhân".
Cứ xem như những bà vú này xuất cung, cũng nhờ có tiếng từng chăm sóc Hoàng đế hoặc con cháu hoàng gia mà được trọng vọng, không lo cái ăn cái mặc.
Thế nhưng bà vú của Hoàng đế Phổ Nghi thì không được như vậy, còn khổ sở trăm bề là đằng khác.
Trong cuốn tự truyện "Nửa đời trước của tôi", Phổ Nghi đã kể chi tiết về câu chuyện giữa ông và bà vú Vương Tiêu thị. Việc cấp sữa cho Phổ Nghi bé nhỏ chỉ là nhiệm vụ cơ bản nhất của Vương Tiêu thị, câu chuyện đằng sau mới khiến người ta không thể chịu nổi.
Năm 1887, Vương Tiêu thị xuất thân trong một gia đình nghèo. Sưu thuế cao, cộng thêm sự hỗn loạn của thế cục và thiên tai càng khiến gia đình vốn đã nghèo này càng khổ sở hơn. Bà phải trải qua ngày tháng tăm tối, chẳng thấy đâu là điểm sáng của tương lai.
Song sinh cơ của cuộc đời đã xuất hiện vào ngày Phổ Nghi ra đời. Lúc đó, Thuần Thân vương phủ đang tìm kiếm bà vú cho Phổ Nghi, thông cáo toàn quốc. Vương Tiêu thị may mắn được thông qua tầng tầng lớp lớp các khâu tuyển chọn, thành công trở thành người quan trọng nhất túc trực bên cạnh Phổ Nghi. Cũng vì thế mà khi tâm sự trong cuốn tự truyện, Phổ Nghi đã đánh giá bà vú của mình như sau:
"Vương Tiêu thị đã thay đổi tôi, bà ấy đã dạy tôi hiểu thế nào là tính người".
Thế nhưng kể từ lúc Phổ Nghi được chọn làm Hoàng đế khi tuổi còn quá nhỏ, Vương Tiêu thị cũng phải theo vào cung, tháng ngày về sau mệt mỏi đủ điều.
Thân là bà vú của Phổ Nghi, Vương Tiêu thị không được về nhà, cũng không được phép gặp mặt người thân. Song yêu cầu này cũng dễ hiểu vì tính chất nghề bà vú là như vậy.
Song yêu cầu tiếp theo thật sự quá mức kỳ quặc.
Phải biết, bà vú thời phong kiến nếu được tiến cung phục vụ hoàng thất, mặc dù phải tuân thủ luật lệ nghiêm ngặt, làm việc và ăn ở đúng nơi quy định, cũng không được về nhà, nhưng sau 3 tháng làm bà vú, họ có thể rời đi để thay bằng lứa bà vú khác. Điều này là vì tránh bà vú quá thân cận với Hoàng đế, dễ gây náo loạn triều chính.
Nhưng cả đời Phổ Nghi chỉ có mỗi bà vú là người thân thiết và có thể dựa dẫm. Vì vậy, ông kiên quyết không cho bà về nhà, cũng không chấp nhận thay bà vú mới.
Được biết, Vương Tiêu thị vốn đã có gia đình. Vì 3 năm liên tiếp ở trong cung mà con gái của bà đã qua đời vì thiếu sữa mẹ. Vương phủ không muốn Vương Tiêu thị bị phân tâm nên dùng thế lực không để tin tức này truyền đến tai bà.
Cứ thế, Vương Tiêu thị hàng tháng đều gửi tiền về nhà, mỗi ngày mong ngóng được xuất cung đoàn tụ với chồng con, mà không hề hay biết sự thật.
Mãi đến 9 tuổi, Phổ Nghi mới không cần bà vú ở bên cạnh, Vương Tiêu thị lúc này mới được phép ra đi. Bà ngã quỵ khi biết con gái đã qua đời từ lâu, oán trách bản thân vì số phận đưa đẩy bà vào cái nghề chua chát này.