Năm 2007, thầy Hoàng Văn Thiệp đậu hệ trung cấp, ngành Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Hải Phòng. Năm 2009 tốt nghiệp, thầy Thiệp được phân công về Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thiện Hòa (xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) giảng dạy cho đến bây giờ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nhưng thầy Hiệp được bố mẹ ủng hộ con đường học tập. Thầy Hiệp trải lòng: “Cuộc sống mưu sinh vất vả, bố mẹ tôi luôn mong muốn con cái học hành đến nơi đến chốn để thoát nghèo. Và cứ vậy, các anh chị học hành rồi, thoát ly họ đã truyền thêm động lực và khuyên tôi cố gắng để sau này trở thành một thầy giáo".
Xuất thân từ xã nghèo, người dân ít được đi học đầy đủ Thầy Thiệp hơn ai hết những khó khăn, vất vả khi không có con chữ, không thể hỗ trợ con cái học hành khi về nhà như thế nào.
“Do vậy, mỗi ngày lên lớp tôi cố dùng tất cả những nhiệt huyết, kiến thức, tình yêu thương để đồng hành, dạy dỗ các em. Những học sinh nào bố mẹ đi làm xa, không ai gọi dậy đi học, tôi sẽ chủ động đến nhà đón sớm, làm sao để các em đừng bỏ học giữa chừng”, thầy Thiệp trải lòng.
Nhiều năm học liên tiếp, thầy Thiệp thức dậy từ sáng sớm, vượt hơn 6 km lội suối vào tận nhà đón hai em tới trường để đảm bảo việc học được duy trì sĩ số lớp đều đặn. Rồi đến cuối mỗi buổi chiều tan học, thầy Thiệp sẽ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho học trò trước khi đưa các em về nhà.
“Nhìn các em đến trường đầy đủ, người làm thầy như tôi cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc lắm”, thầy Thiệp tâm sự.
Là người sinh ra và lớn lên ở xã Thiện Hoà, thầy Thiệp hiểu được những khó khăn vất vả của người dân khi không biết chữ. Theo đó, khi được phân công giảng dạy lớp xoá mù, thầy Thiệp đến tận nhà vận động học viên tham gia lớp xoá mù.
Thầy Thiệp kể: “Lớp tôi giảng dạy, người lớn tuổi nhất là 52 tuổi, chủ yếu là người lao động chính trong nhà nên họ thường đi làm cả ngày. Vì thế, vào mỗi tối, tôi phải “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để vận động học viên tới lớp ”.
Nhờ sự tận tâm đó, 18 học viên lớp thầy Thiệp chủ nhiệm lúc nào cũng đông đủ. Trong quá trình dạy chữ, thầy Thiệp chú trọng dạy các kiến thực tiễn để người dân dễ hình dung cũng như áp dụng vào cuộc sống, sản xuất hàng ngày.
Bên cạnh đó, thầy Thiệp dùng tiếng dân tộc để giải thích cho người dân hiểu những từ ngữ trừu tượng, liên hệ với những thứ xung quanh, gần gũi với họ. Ngoài ra, thầy Thiệp còn học thêm tiếng của người dân tộc Dao để giảng dạy được cho tất cả các học viên.
“Dạy lớp xoá mù chữ hạnh phúc lớn nhất chính là nhìn thấy học viên đọc thông, viết thạo tự tin dùng tiếng phổ thông để giao tiếp với mọi người, tự tin lên các trung tâm hành chính để làm các thủ tục như đăng ký giấy khai sinh, thi bằng lái xe, vay vốn ngân hàng hay tìm hiểu các thông tin về khoa học, kỹ thuật phục vụ cho sản xuất”, thầy Thiệp cho hay.
Thầy Hoàng Văn Kiều, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thiện Hòa cho biết: “Thầy Thiệp là giáo viên sinh ra và lớn lên ở đây nên rất hiểu người dân và học sinh. Thầy đặc biệt chú trọng giảng dạy ở trường mà còn rất nhiệt tình tham gia công tác xoá mù chữ.
Quá trình dạy xoá mù chữ, học viên nào gặp khó khăn, không đến lớp đầy đủ thầy lại đến nhà vận động, tìm cách hỗ trợ để học viên tham gia và hoàn thành khoá học”.