Theo nội dung bản án, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tân và Trần Thị Tám nộp đơn khởi kiện yêu cầu hủy 2 quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Long An và UBND huyện Bến Lức; đồng thời trả lại 3,6ha đất gia đình đã bị trưng thu không đúng quy định.
Cụ thể, theo hồ sơ, nguồn gốc 6,8ha đất nông nghiệp là của gia đình ông Nguyễn Văn Tân sau giải phóng (1975) đã khai hoang sử dụng trồng mía, thơm tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM (nay thuộc xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Đến năm 1983, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định 376/QĐ-UBND trưng thu mảnh đất trên và cấp lại cho gia đình 2,7ha để canh tác, vì gia đình bị liệt vào dạng "phú nông". Ông Tân và bà Tám làm đơn khiếu nại.
Ngày 2/12/1990, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định, theo đó gia đình ông Tân không phải là "phú nông".
"Xét nguồn gốc đất, quá trình khai hoang, phục hóa và quản lý sử dụng ruộng đất của gia đình ông Nguyễn Văn Tân trong thời gian qua đã tốn nhiều công, nhiều vốn. Hộ ông Tân là lao động chân chính thực sự lao động trực tiếp, không tham gia bóc lột sức lao động của người khác. Xét gia đình ông Nguyễn Văn Tân là gia đình chính sách có công cách mạng, có 02 liệt sỹ. Hộ ông Tân được chính quyền địa phương xem xét giải quyết đất canh tác", nội dung quyết định nêu.
Tuy nhiên, địa phương chỉ giải quyết thêm 0,5ha trên diện tích 4,6ha, còn 025ha gia đình ông Tân phải tự bỏ tiền ra mua lại của những người đang canh tác.
Ngày 16/9/1991, hai ông bà khiếu nại lên UBND TP.HCM để đòi lại 3,6ha đất tại xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ban Quản lý ruộng đất (thuộc UBND TP.HCM) có Công văn 1216 chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh xem xét: Gia đình ông Tân có 26 người thì diện tích đất hiện đang canh tác là không đủ sống, vì bình quân tại xã Bình Lợi là 2.000m2/nhân khẩu, tại xã Lương Hòa là 3.000m2/nhân khẩu. Hộ ông Tân không phải "phú nông" thì không bị trưng thu đất.
"Huyện nên cấp theo bình quân nhân khẩu tại địa phương để gia đình ông Tân có điều kiện ổn định cuộc sống, hoặc cùng phối hợp với huyện Bến Lức để giải quyết như trước đây", phương án giải quyết của UBND TP.HCM thể hiện ở hồ sơ.
Một góc diện tích 3,6ha đất do vợ chồng bà Tám ông Tân khai hoang ở tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM (nay thuộc xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để trồng mía, thơm đến nay chưa được trả lại, mặc dù TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có phán quyết. Chinh Hoàng
Tuy nhiên, UBND huyện Bình Chánh lại ban hành Quyết định 300/QĐ-UB không giải quyết thêm ruộng đất cho gia đình ông Tân, tiếp tục giao quyền quản lý điều phối phần đất 3,6ha trên cho UBND xã Lương Hòa, huyện Bến Lức theo tinh thần hoán đổi ruộng đất trước đây giữa hai huyện Bến Lức và Bình Chánh. Đồng thời, UBND huyện Bình Chánh giải quyết bồi thường công khai hoang phục hóa cho hộ ông Nguyễn Văn Tân là 5.500.000 đồng trên 3,6ha đất tại xã Lương Hòa.
Khi gia đình ông Tân tiếp tục khiếu nại đòi lại đất thì UBND huyện Bến Lức và UBND tỉnh Long An đều bác đơn khiếu nại.
Năm 2017, ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám nộp đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Long An, yêu cầu hủy 2 quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Long An và UBND huyện Bến Lức; đồng thời trả lại 3,6ha đất gia đình đã bị trưng thu.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm hành chính của TAND tỉnh Long An đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Ngày 16/6/2020, ông Tân và bà Tám nộp đơn yêu cầu xét xử phúc thẩm đến TAND cấp cao tại TP.HCM, yêu cầu kháng cáo toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Văn Tân và bà Trần Thị Tám, tuyên hủy Quyết định 48/QĐ-UBND ngày 06/01/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Quyết định 6277/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bến Lức. Đồng thời, buộc Chủ tịch UBND huyện Bến Lức ban hành lại quyết định giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Theo HĐXX, quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Long An và UBND huyện Bến Lức ban hành đúng thẩm quyền nhưng sai về nội dung (áp dụng điều luật giải quyết khiếu nại không đúng). Trường hợp ông Tân không thể áp dụng khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai để bác khiếu nại đòi đất của ông Tân.
Theo bản án phúc thẩm số 204/2020/HC-PT ngày 16/6/2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM, trong trường hợp không có đất để trả, thì phải trả cho gia đình ông Tân giá trị quyền sử dụng đất cộng với công khai hoang phục hóa. Có như vậy mới đúng với quy định tại Điểm c Mục 3 Phần V Quyết định 201/CP ngày 1/7/1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất cả nước và đúng với kiến nghị của bán án sơ thẩm đã tuyên.
Nhưng đến nay, gia đình ông Tân và bà Tám vẫn chưa nhận lại được 3,6ha đất khai hoang.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Tân cho hay việc UBND huyện Bến Lức (Long An) giải quyết khiếu nại không đúng về diện tích đất bị trưng thu hơn 50 năm nước đã khiến gia đình ông thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về quyền, lợi ích hợp pháp. Bản án phúc thẩm số 204/2020/HC-PT ngày 16/6/2020 của TAND Cấp cao tại TP.HCM đã mang lại sự công bằng cho gia đình.
Đại diện Cục thi hành án Dân sự tỉnh Long An trao đổi với Dân Việt, đã nắm nhận hồ sơ bản án phúc thẩm số 204/2020/HC-PT ngày 16/6/2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM. Trong quyết định thi hành, chỉ yêu cầu trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh là tuân theo bản án, hủy các Quyết định 48/QĐ-UBND ngày 06/01/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An và Quyết định 6277/QĐ-UBND ngày 25/10/2016 của Chủ tịch UBND huyện Bến Lức.
Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch huyện Bến Lức đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật và huyện này đã thực hiện.
“Việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra hành chính vụ việc đã xong. Các nội dung khác không liên quan đến án hành chính của Cục Thi hành án theo dõi. Trước đây, gia đình ông Tân, bà Tám có yêu cầu TAND tỉnh Long An thi hành án hành chính. TAND tỉnh đã ra quyết định chỉ đạo UBND huyện Bến Lức, và huyện này cũng đã giải quyết khiếu nại. Việc yêu cầu UBND huyện Bến Lức trả lại 3,6 ha đất thu hồi trái phép không thuộc phạm vi của theo dõi án hành chính”, người này nói.
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhận định: Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM đã có hiệu lực thi hành ngay tại thời điểm tuyên án, UBND huyện Bến Lức phải tự nguyện thi hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án của tòa án.
UBND huyện Bến Lức phải tự thực hiện xem xét, hoàn trả cho gia đình ông Nguyễn Văn Tân đối với phần đất 3,6ha đã bị thu hồi. Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành bản án trên, nếu cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa tiến hành thủ tục xem xét, hoàn trả theo bản án, gia đình ông Nguyễn Văn Tân có quyền đề nghị TAND cấp cao TP.HCM ra quyết định buộc thi hành bản án trên.
Thủ tục yêu cầu được thực hiện theo quy định tại điều 11 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ, quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.