Theo đơn tố cáo đứng tên "tập thể người lao động Câu lạc bộ Bơi lội Vân Đồn" thuộc Trung tâm Thể dục Thể thao quận 4 (đã sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 4), ông Lê Hoàng Lê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bơi lội Vân Đồn sử dụng bằng giả kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học năm 1992.
Cụ thể, theo đơn tố cáo, ông Lê Hoàng Lê có bằng tốt nghiệp bổ túc trung học, được cấp bởi Sở GDĐT tỉnh Long An vào ngày 15/1/1993. Bằng này do ông Lê Văn Ngoan, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Long An ký.
Trên bằng thể hiện, ông Lê Hoàng Lê tốt nghiệp bổ túc trung học kỳ thi ngày 5/6/1992 tại hội đồng thi Nhật Tảo (thị xã Tân An, tỉnh Long An). Văn bằng này được vào sổ cấp bằng số 128/1992/BTTH ngày 20/1/1993.
Đơn tố cáo cho rằng, khi so sánh bằng tốt nghiệp của ông Lê Hoàng Lê với một bằng tốt nghiệp được cho là thật, thì bằng tốt nghiệp của ông Lê không có xếp loại tốt nghiệp, chữ ký của ông Lê Văn Ngoan không giống với chữ ký trên bằng tốt nghiệp khác; không có số hiệu phía trên bên trái của bằng; nội dung vào sổ cấp bằng ghi /92 trong khi ngày cấp bằng năm 1993...
Ngoài ra, bằng tốt nghiệp bổ túc của ông Lê chỉ ghi năm sinh, không ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh như các bằng tốt nghiệp bình thường.
Đơn tố cáo còn thể hiện, ông Lê Hoàng Lê có hai ngày sinh, tháng sinh khác nhau gồm ngày 8/11/1972 và ngày 28/12/1972. Sau khi làm lại giấy khai sinh thành ngày 28/12/1972, ông Lê đã đề nghị cấp bản sao cho phù hợp ở tất cả các bằng cấp như bằng tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao, Chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng… Thế nhưng, ông Lê không xin cấp phó bản bằng tốt nghiệp bổ túc trung học.
"Khi đơn vị đề nghị nộp bằng tốt nghiệp bản chính, ông Lê chỉ nói có bảng photo không có bản chính. Bản photo ngày càng mờ đi do photo nhiều lần. Chúng tôi thiết nghĩ nếu ông Lê sử dụng bằng thật thì nếu có mất thì tiến hành xin cấp phó bản là việc làm bình thường. Tuy nhiên ông Lê không dám xin cấp phó bản là do ông sử dụng bằng giả", đơn tố cáo viết.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, bằng tốt nghiệp mà người tố cáo đưa ra so sánh với bằng của ông Lê là bằng tốt nghiệp THPT, cấp ngày 30/8/1992, không phải bằng tốt nghiệp bổ túc trung học. Về chữ ký của ông Lê Văn Ngoan, đúng là có sự khác biệt, nhưng người tố cáo so sánh giữa chữ ký của ông Ngoan năm 1992 với chữ ký của ông Ngoan năm 2003, tức là cách nhau 11 năm.
Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Hoàng Lê khẳng định, nội dung tố cáo nêu trên hoàn toàn là bịa đặt, vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của ông.
Ông Lê nói thêm, đây cũng không phải là lần đầu tiên ông bị vu khống về vấn đề này. Trước đó, ông đã từng bị gửi đơn tố cáo và ông đã vài lần làm giải trình với lãnh đạo, UBND quận và UBND TP.HCM. Các thông tin về hồ sơ của ông, Ban tổ chức Quận ủy quận 4 và Ủy ban Kiểm tra quận 4 đều nắm rõ.
Ông Lê khẳng định, ông học cấp 2, cấp 3 tại Trường Nghiệp vụ Sở Thể dục Thể thao tỉnh Long An, có bằng tốt nghiệp bổ túc Trung học Phổ thông do Sở GDĐT tỉnh Long An cấp.
Về việc có hai ngày, tháng sinh khác nhau, ông Lê cho biết, trước đây ông được sinh trong chiến khu, không nhớ rõ ngày tháng sinh nên bị sai lệch. Sau này, ông đã đi làm lại giấy khai sinh và làm lại tất cả các văn bằng theo ngày tháng trong giấy khai sinh mới.
Đối với bằng tốt nghiệp bổ túc trung học, ông Lê vẫn còn cất giữ cẩn thận, không hề mất như đơn tố cáo.
Làm việc với Sở GDĐT tỉnh Long An, phóng viên Dân Việt được cung cấp thêm thông tin: Ông Lê Hoàng Lê có tham gia kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học vào tháng 6/1992. Tuy nhiên, tại kỳ thi này, ông Lê không đậu tốt nghiệp. Ngày 10/7/1992, ông Lê Văn Ngoan, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Long An đã ký văn bản số 586/GD-ĐT-92 gửi Bộ GDĐT, đề nghị xét đỗ thêm thí sinh thi tốt nghiệp bổ túc trung học khóa ngày 5/6/1992. Trong danh sách này, có tên ông Lê Hoàng lê.
Sở GDĐT tỉnh Long An xin xét đỗ tốt nghiệp cho ông Lê Hoàng Lê bởi ông thuộc diện thí sinh là vận động viên thể dục thể thao, đạt huy chương cấp tỉnh trở lên, có tổng điểm thi các môn từ 17,5 đến 18,5. Ngoài ông Lê Hoàng Lê, danh sách này còn có 16 người khác được Sở GDĐT tỉnh Long An đề nghị xét đỗ thêm, thuộc về nhiều diện khác nhau.
Dù vậy, đây chỉ là đơn đề nghị Bộ GDĐT xét đỗ thêm, còn văn bản trả lời của Bộ GDĐT thì Sở GDĐT tỉnh Long An không tìm thấy. Lý giải điều này, bà Trần Thị Kiều Diễm, chuyên viên Sở GDĐT tỉnh Long An cho biết, có thể hồ sơ bị thất lạc do quá trình chuyển giao; chỉnh lý hồ sơ, sổ sách, giấy tờ...
Chuyên viên Sở GDĐT tỉnh Long An cho biết, theo quy định, học sinh phải đi học, có học bạ và đủ điều kiện dự thi mới được tham gia kỳ thi. Do đó, chắc chắn ông Lê Hoàng Lê phải có học bạ, được nhà trường làm thủ tục cho dự thi bổ túc trung học năm 1992. Học bạ sẽ được các trường trả lại cho học sinh, Sở GDĐT tỉnh Long An không lưu giữ.
Về các nghi vấn chuyện bằng tốt nghiệp không ghi ngày tháng sinh; không xếp loại tốt nghiệp... bà Diễm cho rằng, mỗi năm sẽ có những quy định khác nhau. Về phần chữ ký của ông Ngoan, Sở GDĐT tỉnh Long An không đưa ra ý kiến, bởi không thể xác nhận chữ ký thật/giả thông qua mắt thường.
Phóng viên Dân Việt tiếp tục tìm đến Trường Nghiệp vụ Sở Thể dục Thể thao tỉnh Long An (nay là Trường Thể dục Thể thao tỉnh Long An) để xác định quá trình học tập, cũng như tìm danh sách phát bằng tốt nghiệp của ông Lê Hoàng Lê.
Dù vậy, sau khi kiểm tra hồ sơ lưu tại trường, các thông tin về ông Lê Hoàng Lê không còn nữa. Bà Võ Thị Hoàng Luynh, Phó Hiệu trưởng Trường Thể dục Thể thao tỉnh Long An cho biết, trong năm 1996, đơn vị này đã đốt một cơ số hồ sơ giấy tờ vì bị mối mọt, không còn đọc được chữ. Bà Luynh cũng không rõ hồ sơ liên quan đến ông Lê Hoàng Lê có trong số giấy tờ đã bị đốt hay không.