Lấy cảm hứng từ sự kiện Bốt hàng Đậu sau 129 năm mở cửa đón khách tham quan, với mong muốn truyền tải thông điệp khiến các bạn trẻ có thể nhìn lại những địa danh lịch sử xưa của thủ đô ngàn năm văn hiến, để thêm yêu và tự hào, nhóm sinh viên ngành báo Phát Thanh – Học viện Báo Chí và Tuyên truyền đã lan tỏa nét đẹp của Hà Nội thông qua kênh Tik Tok “Ô Sử Hà Nội”.
Bên cạnh video giải mã lịch sử Bốt hàng đậu, một loạt các hình ảnh, video liên quan đến di tích lịch sử xung quanh Hà Nội đã được ra đời.
Mỗi bức ảnh, video được nhóm bạn trẻ lựa chọn đăng tải kể về những câu chuyện nổi bật, tái hiện những giá trị văn hoá xưa cũ đã bị lãng quên tại thủ đô theo hình thức Review chân thật. Điểm sáng này là cầu nối thu hút sự quan tâm từ phía thế hệ gen Z, hứa hẹn với họ sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ nếu có dịp ghé qua.
Theo dõi trang Tiktok Ô Sử Hà Nội từ những ngày đầu tiên, bạn Nguyễn Ngọc Hà (Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy khá bất ngờ và thú vị khi được tìm hiểu các di tích, văn hoá lịch sử Hà Nội theo cách hoàn toàn mới lạ.
Ngọc Hà chia sẻ: "Xem các video mình thấy rất ấn tượng với các hình ảnh của các bạn trẻ quay ở các địa điểm di tích lịch sử. Và cái quan trọng hơn là bản thân mình thấy, ôn lại được về lịch sử về các thế hệ đi trước đã dựng nước và giữ nước".
Bắt nguồn từ việc giá trị văn hóa tốt đẹp được lan truyền trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, lôi cuốn, đánh trúng tâm lý của người trẻ, 7 thành viên trong nhóm "Ô Sử Hà Nội" luôn muốn đóng góp công sức nhỏ, nỗ lực tạo ra các sản phẩm truyền thông ấn tượng để lịch sử không bị “ngủ quên”.
Các video đăng tải trên nền tảng Tiktok đều nhận về hàng chục nghìn lượt xem, lượt thả tim và phản hồi.
Một số video nổi bật như Sàn nhảy đầm của Vua Bảo Đại đạt 62 nghìn lượt xem; Đền Cẩu Nhi đạt 32 nghìn lượt xem; Di tích Gò Đống Đa hơn 13 nghìn lượt xem…chỉ sau một vài ngày đăng tải đã tạo sự lan tỏa đến nhiều người trẻ thuộc thế hệ gen Z.
Để khơi gợi sự đam mê trong việc tiếp cận các di tích lịch sử với giới trẻ, dự án đã đẩy mạnh đầu tư hình ảnh minh họa sinh động, các khung hình video, MC dẫn dắt cho bài viết.
Phụ trách dựng video chính trong nhóm, bạn Nguyễn Minh Phương (Sinh viên học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: “Trong quá trình thực hiện các sản phẩm, khó khăn nhất đối với bọn mình là việc xác định được nguồn thông tin và phải làm sao tạo ra content thu hút, mới lạ, độc đáo. Bên cạnh nội dung, hình thức video cũng được nhóm tính toán cẩn thận từ font chữ, màu sắc…sao cho mọi người đều có thể đọc, hiểu nội dung dễ dàng.”
"Để ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, nhóm mình đã không quản nắng mưa chia nhóm nhỏ di chuyển, đi quay, chụp các địa điểm khác nhau, sau đó về hậu kỳ, dựng video trong vòng một ngày để đảm bảo đúng tiến độ mỗi ngày đều có sản phẩm" Phương chia sẻ.
Chia sẻ về các dự định của nhóm trong thời gian tới, nhóm trưởng của Ô Sử Hà Nội, bạn Trần Khánh Linh (Sinh viên học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: “Bản thân mình và nhóm cũng rất bất ngờ và rất vui về hiệu ứng quan tâm của công chúng. Nếu như trước đây, phần lớn những người quan tâm đến lịch sử và các di tích văn hóa dân tộc ở Việt Nam là những người có tuổi, thì hiện nay, số tuổi đang dần được trẻ hóa. Để không phụ sự ủng hộ của mọi người, nhóm sẽ nỗ lực hơn, hứa hẹn sẽ có thật nhiều sản phẩm bất ngờ, sáng tạo hơn trong các video sắp tới”.
Bên cạnh các video được đăng tải trên nền tảng Tik Tok, "Ô Sử Hà Nội" còn phát triển một website song song với các nội dung khám phá những câu chuyện lịch sử, những nhân chứng lịch sử, những cảm nhận ấn tượng của giới trẻ về lịch sử tại thủ đô và một số địa chỉ cụ thể của các di tích lịch sử chỉ dẫn các bạn trẻ tới tham quan.
Không chỉ là trào lưu, theo xu hướng check-in, sống ảo, các thành viên trong "Ô Sử Hà Nội" đã cho thấy thế hệ trẻ ngày nay đang ngày càng sống có trách nhiệm với cộng đồng qua việc họ tìm hiểu nhiều hơn đến các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử.
Lịch sử là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc, những người trẻ của "Ô Sử Hà Nội" đang miệt mài vun đắp, gìn giữ và lan tỏa những giá trị, nét đẹp văn hóa, di tích lịch sử Việt Nam đến nhiều hơn với cộng đồng.