Giá vé tham quan tăng
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa tại Hà Nội.
Theo đó, các di tích đều tăng từ 10.000 – 70.000 đồng. Cụ thể, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám có giá vé cũ là 30.000 đồng, nay tăng lên 70.000 đồng/lượt/khách. Di tích Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò từ 30.000 đồng/vé tăng lên 50.000 đồng. Riêng di tích Hoàng Thành Thăng Long tăng từ 30.000 đồng lên thành 100.000 đồng/lượt/khách.
Một số di tích khác cũng điều chỉnh giá vé như Đền Quán Thánh, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương 10.000 đồng/vé; Làng cổ Đường Lâm 20.000 đồng/vé; Cổ Loa 30.000 đồng/lượt khách; Chùa Hương 120.000 đồng/lượt.
Các đối tượng miễn thu phí và giảm 50% giá vé vẫn giữ nguyên như cũ. Riêng trong ngày Di sản Văn hóa 23/11, khách tham gia có thể ghé đến các di tích miễn phí. Các công trình văn hóa cũng mở cửa tự do cho khách tham quan vào Tết âm lịch.
Người dân chỉ "đi một lần cho biết"
Đọc thông tin điều chỉnh giá vé các di tích, chị Phạm Phương Linh (23 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) bỗng tự nhận bản thân "may mắn": "Các di tích nổi tiếng tôi hầu như đã đi rồi. May mà tôi đi sớm nên vẫn áp dụng giá vé cũ, lại được giảm 50% khi còn là sinh viên. Bây giờ giá vé tăng nhảy vọt, có lẽ tôi sẽ không đi thường xuyên như trước".
Cùng chung suy nghĩ này, chị Nguyễn Bích Lộc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá vé cũ là hợp lý với các bạn học sinh, sinh viên. Nay tăng lên, tính ra giá vé đã giảm 50% khi có thẻ sinh viên còn cao hơn giá cũ.
"Mình đi Hoàng Thành Thăng Long chỉ mất 30.000 đồng giá vé. Lần trước đi chưa hết nhưng do muộn nên mình định sau có thời gian rảnh sẽ đi tiếp. Khi ấy mình được giảm còn 15.000 đồng. Bây giờ nếu đi, tính ra 100.000 đồng giảm 50% cho sinh viên thì giá vẫn tận 50.000 đồng".
Ngoài câu chuyện về giá vé, nhiều người cho rằng giá tăng nên đi kèm với chất lượng. Các di tích, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa hầu còn chưa có nhiều dịch vụ. Người dân cho rằng, những địa điểm này gìn giữ văn hóa và lịch sử, nếu bỏ ra gần 100.000 đồng để tham quan sẽ rất khó quay lại lần 2.
Nguyễn Thị Ngân (18 tuổi, sinh viên Đại học Nghệ thuật Sư phạm Trung ương) chia sẻ: "Mình muốn tìm hiểu về Hoàng Thành Thăng Long nên đã đến đây. Phải công nhận rằng trong này rất rộng. Mình cũng học hỏi được nhiều. Nhưng theo mình, với sinh viên, giá vé như vậy khó để mình đến lần 2. Bởi đi một lần cũng đủ nhu cầu rồi".
Nhiều người dân mong muốn khi giá vé tăng sẽ đi kèm nhiều dịch vụ và trải nghiệm mới. Hiện tại, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã có những thay đổi như thêm mã QR giọng kể lịch sử, hay Nhà tù Hỏa Lò cũng bổ sung nhiều giọng phiên dịch khác nhau,…
Bà Hoàng Thị Cúc (57 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Bây giờ kinh tế khó khăn, tôi không nghĩ đây là lúc thích hợp để tăng giá vé. Như người dân chúng tôi, tôi chỉ đi một lần cho biết, nếu có không còn gì mới thì có lẽ sẽ không đến thêm lần hai. Tôi mong rằng việc tăng giá vé sẽ đi kèm các quyền lợi xứng đáng cho khách tham quan".