Dân Việt

Công ty Văn Khôi san gạt, ảnh hưởng đường ống dẫn nước của người dân thôn Vật Lại (TP.Hòa Bình)

Quang Minh-Văn Hoàng 14/12/2023 06:46 GMT+7
Nhiều hộ dân ở thôn Vật Lại, xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình phản ánh nguồn nước sinh hoạt bị thay đổi dẫn tới nước bị vẩn đục, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của bà con.

Đời sống người dân xáo trộn

Ông Nguyễn Minh Thuận ở thôn Vật Lại, xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình cho biết, từ năm 2022 trở về trước, 20 hộ dân ở trong thôn Vật Lại sử dụng nguồn nước sinh hoạt ổn định lấy từ khe núi đồi Chè. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, nguồn nước sinh hoạt lấy từ khe núi đồi Chè bị thay đổi dẫn tới nước bị đục, không đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 1.

Khu vực đồi Chè nằm trong thôn Vật Lại, xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình.

"Trước kia chúng tôi dùng ống (loại nhỏ) dẫn nước từ khe núi đồi Chè về nhà dùng cho việc sinh hoạt hàng ngày. Nhưng giờ nguồn nước này bị thay đổi, chúng tôi phải lấy nguồn nước bị vẩn đục từ một ao lớn ở trên đồi Chè, thậm chí, vào thời điểm có mưa lũ, nước chứa nhiều bùn đất, không đảm bảo vệ sinh", ông Thuận thông tin.

Trong đơn gửi tới Báo điện tử Dân Việt, người dân ở thôn Vật Lại cho rằng, nguyên nhân dẫn tới nguồn nước bị thay đổi, vẩn đục là do Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Văn Khôi (Công ty Văn Khôi) trong quá trình triển khai dự án trồng rừng đã làm thay đổi dòng suối đồi Chè. Thêm nữa, quá trình san gạt đất đã vùi lấp các đường ống dẫn nước từ khe suối về của bà con.

"Trước đó, chúng tôi đã chủ động nhắc nhở lái xe, lái máy xúc thi công dự án của Công ty Văn Khôi về việc đảm bảo an toàn cho đường ống nước của các hộ dân đi dưới lòng suối vốn không thuộc đất của Văn Khôi nhưng không có nhiều tác dụng.

Quá trình san gạt, đơn vị thi công vẫn làm hư hỏng đường ống nước của chúng tôi. Thiếu nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu và phục vụ chăn nuôi, đời sống bà con cơ cực, phải bỏ việc đồng áng để đi lấy nguồn nước", nội dung nêu trong đơn.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 2.

Bùn đất tràn xuống nhà bà Tường sau trận mưa vào tháng 8/2023. Ảnh người dân cung cấp.

Bà Nguyễn Thị Tường, ở xóm Vật Lại cho hay, từ năm 2006 đến nay, dù nhiều trận mưa lớn xảy ra nhưng gia đình nhà bà chưa từng xảy ra ngập lụt. Tuy nhiên, trong năm 2022 và 2023, bùn đất tràn vào gia đình bà trong đêm khiến mọi người phải di chuyển toàn bộ đồ đạc lên tầng 2.

Bà Tường cho rằng, việc Công ty Văn Khôi thực hiện việc san gạt, nắn dòng chảy đã làm ảnh hưởng tới gia đình bà.

Quan sát của phóng viên Dân Việt, cách nhà bà Tường khoảng 200m, ở giữa sườn núi là khu vực Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Văn Khôi, đơn vị đã thi công đường chính từ trung tâm thôn Vật Lại lên đỉnh núi.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 3.

Các vòi nước được dẫn từ khu vực đồi Chè xuống khu vực Cổng công ty Văn Khôi để người dân dẫn về nhà dùng.

Tại khu vực này, có một số đường xương cá chạy nối đến các quả đổi, trên sườn đồi có nhiều cây ăn quả, cây bản địa được trồng mới xen lẫn những cây tự nhiên. Ở khu vực thung lũng, đơn vị này đã san gạt đắp thành hồ nước lớn, bên cạnh là khu lưu trú của công nhân.

Dọc con đường chính lên đỉnh núi, mương nước bị xói lở khiến nước chảy về phía nhà bà Tường vẫn còn nguyên dấu vết, những bảo tải đất được đắp lại ngăn nước chảy xuống khu vực nhà dân phía dưới.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 4.

Con đường dẫn lên khu vực đồi Chè.

Ngày 8/12, phóng viên Dân Việt đã liên hệ qua điện thoại với Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp Văn Khôi để trao đổi, làm rõ các thông tin người dân phản ánh nhưng chưa nhận được phản hồi. Tiếp đến, ngày 12/12, phóng viên liên hệ đặt lịch tại Văn phòng Công ty Văn Khôi tại TP.Hòa Bình nhưng vị lãnh đạo công ty đi vắng, chưa thông tin.

Sẽ kiểm tra, xử lý ngay vấn đề dân phản ánh

Cùng ngày 8/12, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình cho hay, trong thôn Vật Lại có 47 hộ dân, trong đó có khoảng 20 hộ dân sử dụng nguồn nước lấy từ khe núi đồi Chè.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 4.

Hồ nước tại khu vực đồi Chè.

Ông Tuấn cho biết, năm 2022, khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã làm việc với Công ty Văn Khôi đề nghị họ để người dân tiếp tục sử dụng nguồn nước tự chảy từ đồi Chè.

"Trước đó người dân dẫn đường ống lấy nước trong phần đất của công ty này, khi họ san gạt đường vào để trồng cây đã vứt những cái đường ống. Sau đó, người dân đã kiến nghị để họ tiếp tục dùng đường ống này. Quá trình làm việc với xã, phía công ty đã đồng ý và đấu nguồn nước này dẫn ra phía hàng rào ở cổng công ty cho người dân lấy sử dụng, đảm bảo việc duy trì thường xuyên", ông Tuấn nói.

Về nguồn nước vẩn đục, theo ông Tuấn, ông sẽ tiếp tục cho cán bộ làm việc với phía Công ty Văn Khôi yêu cầu họ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch cho bà con.

Theo báo cáo ngày 22/12/2022 của Ủy ban nhân dân xã Thịnh Minh, trong năm 2022, xã đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội quản lý trật tự đô thị thành phố Hòa Bình tổ chức 3 cuộc kiểm tra, nắm bắt tình hình tại Công ty.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 5.

Các bao tải đất được đắp cao để ngăn nước từ khu vực đồi xuống nhà dân.

Qua kiểm tra ghi nhận công ty này đã thực hiện việc cào, dọn thực bì để trồng một số loài cây, cỏ theo giấy phép hoạt động của công ty. Tuy nhiên, quá trình dọn thực bì bằng máy móc cơ giới đã san, gạt làm biến dạng một số diện tích rừng sản xuất (mở lối đi để vận chuyển cây giống) và tạo hồ nước để lấy nguồn chăm sóc cây trồng.

Sau đó, Ủy ban nhân dân xā Thịnh Minh đã lập biên bản đình chỉ việc sử dụng máy xúc cải tạo, san hạ mặt bằng để trồng cây. Ngày 12/10/2022 xã Thịnh Minh ra văn bản số 780/TB-UBND về việc dừng san hạ, cải tạo mặt bằng đối với công ty và yêu cầu công ty này thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Hòa Bình: Người dân lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt lấy từ đồi Chè vẩn đục - Ảnh 6.

Công trình bằng gạch, bê tông kiên cố nằm trên đồi Chè, bên trong khu đất của Công ty Văn Khôi.

Công ty Văn Khôi hiện đang sở hữu 61,69 hecta đất mua của bà con trong xã, trong đó đất rừng sản xuất là 60,4ha, đất ở 0,05ha, đất trồng cây lâu năm 1,25ha. Công ty này đã thực hiện dọn thực bì, bạt mái, làm đường xương cá, tạo ao chứa nước với tổng diện tích cải tạo khoảng 2ha để phục vụ mục đích trồng cây, trồng cỏ tạo cảnh quan.

Mới đây, trong đơn kiến nghị gửi tới Báo Dân Việt, nhiều hộ dân ở thôn Vật Lại, xã Thịnh Minh đã bày tỏ quan điểm không đồng thuận với quy hoạch phân khu đô thị 1/2000 tại xã Thịnh Minh, TP.Hòa Bình. Người dân đã kiến nghị 4 nội dung liên quan đến việc lập quy hoạch phân khu đô thị Thịnh Minh và cho rằng có thể ảnh hưởng tới đời sống của họ.

Trước đó, Ngày 14/12/2022 Uỷ ban nhân dân thành phố Hoà Bình ban hành Công văn số 4675/UBND-QLĐT về việc công bố đồ án Quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 tại xã Thịnh Minh, xã Hợp Thành, thành phố Hòa Bình.

Đồ án có diện tích khoảng 468,3ha và dân số dự kiến khoảng 16.800 người (dân số thường trú, tạm trú). Quy mô dân số lưu trú, khách vãng lai dự kiến khoảng 110.000 lượt khách/năm.

Phía Đông giáp khu vực xóm Vật Lại, xã Thịnh Minh và Nhà máy nước Sông Đà. Phía Tây giáp khu vực xóm Đồng Bài, xã Thịnh Minh và các xóm Mỏ Ngô, Đình Đa, Xạ Múc, xã Hợp Thành. Phía Nam giáp khu vực rừng sản xuất xã Hợp Thành. Phía Bắc giáp đường liên xã và khu dân cư các xóm Quốc, Bu Chằm, xã Thịnh Minh.

Đồ án quy hoạch chức năng sử dụng đất gồm đất dân dụng, chủ yếu là nhà ở biệt thự…, với mật độ xây dựng gộp ≤ 60%, cao tối đa 5 tầng. Đất dịch vụ công cộng gồm các công trình dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, mật độ xây dựng ≤ 40%, chiều cao tối đa 4 tầng.

Đất ngoài đơn vị ở gồm các công trình thương mại đô thị như nhà hàng, khách sạn nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí…, mật độ xây dựng ≤ 60%, cao tối đa 5 tầng. Đất ngoài dân dụng gồm đất cây xanh cảnh quan, mặt nước hồ Đầm Bài, đất giao thông...

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.