"Dài cổ" chờ tái định cư
Bà Ngô Thị Nguyện (60 tuổi, trú thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) đang sống trong ngôi nhà hiện đã bị nứt, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng mà không thể sửa chữa.
Không chỉ nhà ở, khu vực bà sống cũng đang ô nhiễm trầm trọng vì nước ứ đọng sau đợt mưa vừa qua.
Bà Nguyện cho biết, gia đình bà được chính quyền mời lên họp để bố trí đất tái định cư nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đất di dời. Hiện gia đình phải sống trong lo sợ khi mùa mưa lũ đến, khu vực bà đang sống hiện có rất nhiều hộ dân cũng trong tình trạng chờ chính quyền bố trí đất tái định cư.
"Mỗi lần có dự báo mưa lớn, lũ quét là sợ không dám ngủ, khu vực tôi đang sống là vùng thấp trũng nên nước dâng rất nhanh. Nhiều hộ dân phải chuyển đi thuê trọ để làm ăn sinh sống, vì ở đây cứ mưa là ngập nên họ không làm gì được. Mong sao chính quyền cùng cơ quan chức năng nhanh chóng bố trí, cấp đất tái định cư để người dân chúng tôi được ổn định cuộc sống", bà Nguyện nói.
Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân ở thôn Quan Nam 2 cũng đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu mỗi khi mùa mưa bão đến.
Ông Lê Công Tín (42 tuổi, thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên) cho hay, hiện tại ở đây chưa có hệ thống mương thoát nước nên mỗi lần mưa là nước lại tràn vào nhà, nước cứ ứ đọng khiến khu vực này ruồi muỗi rất nhiều.
"Người dân khu vực tổ 4, thôn Quan Nam 2 ai cũng mong ngóng được di dời, nhưng sau nhiều lần hứa hẹn đến nay chúng tôi vẫn chưa được cấp đất. Việc chậm bố trí đất tái định cư kéo dài nhiều năm nay khiến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân chúng tôi bị đảo lộn. Tôi mong muốn sớm được di dời khỏi nơi này để có thể thay đổi cuộc sống, chứ sống trong tình cảnh thế này thì gia đình tôi không biết phải làm sao", ông Tín thổ lộ.
Hiện 16 hộ dân thuộc thôn Quan Nam 2 mong muốn chính quyền sớm cấp đất, tạo điều kiện để họ có thể di dời đến nơi ở an toàn trong mùa mưa lũ, ổn định cuộc sống.
Thiếu gần 200 lô đất nên chưa thể bố trí tái định cư
Đầu năm 2010, UBND TP Đà Nẵng quyết định xây dựng khu TĐC Hòa Liên 3 và Hòa Liên 4 thuộc huyện Hòa Vang nhằm phục vụ cho công tác chỉnh trang đô thị và phát triển kinh tế của thành phố. Cả hai dự án này đều được UBND TP Đà Nẵng thông qua chủ trương vừa thiết kế vừa thi công nhằm nhanh chóng tạo ra quỹ đất, xây dựng hạ tầng khẩn cấp di dời, bố trí tái định cư cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ dân thôn Quan Nam 2 thuộc diện di dời, giải tỏa vẫn chưa được bố trí cấp đất tái định cư.
Khu tái định cư Hòa Liên 4 (giai đoạn 3 - 4) có tổng 254 hồ sơ, hiện đã giải phóng mặt bằng 228 hồ sơ, còn lại 26 hồ sơ chưa GPMB. UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt bố trí tái định cư 365 lô, trong đó đất thực tế đã bố trí cho dân 168 lô, chưa có đất thực tế 197 lô (hiện đang nợ đất của dân chưa bố trí). Việc đã GPMB nhiều năm nhưng chưa được bố trí đất TĐC thực tế để xây dựng nhà ở gây bức xúc cho người dân.
Bà Trịnh Thị Hà, Trưởng thôn Quan Nam 2 cho biết, các hộ đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa có đất còn nhiều, hiện 16 hộ đang còn ở lại, số khác đã đi thuê trọ để sinh sống. Tôi đã kiến nghị lên chính quyền rất nhiều lần mong sớm có đất để bố trí cho dân, nhưng hiện nay đất tái định trên thực tế hiện đang thiếu nên người dân còn phải chờ.
Ông Ngô Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên thông tin, hiện nay, tại thôn Quan Nam 2 nhiều hộ dân chưa di dời theo diện giải tỏa khu tái định cư Hòa Liên 4 do chưa thống nhất trong việc bố trí cấp đất, một phần cũng do thiếu đất thực tế nên vẫn chưa thể bàn giao và giải quyết cho người dân.
"UBND xã đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và báo cáo lên UBND huyện bố trí cấp đất cho người dân sớm nhất có thể. Chính quyền xã đã nhiều lần họp, tiếp xúc cử tri với mong muốn tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc của người dân", ông Ngô Quốc Dũng nói.
Trao đổi với PV, ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, các hộ dân tại thôn Quan Nam 2 hiện đang nằm trong dự án quy hoạch Hòa Liên 4. Hiện dự án này chưa thể đầu tư được vì thiếu gần 200 lô đất tái định cư cho người dân nên huyện cũng đang cân đối. Thời gian tới lãnh đạo huyện sẽ phối hợp với UBND xã tiến hành kiểm tra, khảo sát, họp dân để lấy ý kiến thống nhất và tính đến phương án bố trí cấp đất để tránh gây bức xúc cho người dân.