UBND huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận "Sầu riêng Đức Cơ".
Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, trình độ phát triển sản xuất và hiệu quả kinh tế từ một số mô hình sản xuất cây sầu riêng hiệu quả cao, huyện Đức Cơ đã quan tâm triển khai dự án "Liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện Đức Cơ". Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng cây điều kém hiệu quả, hồ tiêu bị chết do sâu bệnh sang trồng sầu riêng.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng, phòng trừ sâu bệnh hại đến người nông dân. Nhiều diện tích sầu riêng được sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất sầu riêng được hình thành.
Đến nay, toàn huyện có hơn có hơn 630 ha sầu riêng, trong đó, diện tích trồng thuần khoảng 370 ha, trồng xen hơn 260 ha; cơ cấu giống gồm: Ri6, Dona, Musang King; năng suất trung bình 20 tấn/ha, sản lượng hàng năm ước đạt 12.600 tấn. Từ đây, trên thị trường trong và ngoài tỉnh đã có thêm một thương hiệu cây ăn trái đặc sản "Sầu riêng Đức Cơ" đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân
Theo lãnh đạo UBND huyện Đức Cơ, việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận giúp sản phẩm sầu riêng Đức Cơ trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và kinh doanh sản phẩm Sầu riêng Đức Cơ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để huyện Đức Cơ quản lý tốt hơn về chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua nhãn hiệu chứng nhận, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Người tiêu dùng sẽ yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng, khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, "Trong tiến trình phát triển của nông sản, việc công nhận nhãn hiệu mới chỉ là "đặt một cái tên" cho nông sản mà thôi. Bởi, đối với sản phẩm Sầu riêng Đức Cơ thì chất lượng là yếu tố quyết định giá trị thương hiệu. Sầu riêng Đức Cơ có mặt trên thị trường nhiều năm nay và được đánh giá có chất lượng tốt: thơm, ngon, thịt dày, có độ ngọt và béo cao".
Do đó, để bảo vệ danh tiếng của sản phẩm sầu riêng Đức Cơ, lợi ích của người nông dân và quyền lợi của người tiêu dùng, huyện Đức Cơ cần xây dựng hàng rào pháp lý cơ bản thông qua bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận để bảo vệ và phát triển thương hiệu của mình, sử dụng nhãn hiệu đúng và trúng sản phẩm. Còn bản thân nông dân cũng căn cứ vào những tiêu chí chất lượng liên quan để xây dựng và phát triển vườn cây theo hướng an toàn, bền vững.
Trao đổi với PV ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, "Đức Cơ hiện có khoảng 630 ha sầu riêng, trong thời gian tới diện tích này sẽ tiếp tục phát triển theo quy hoạch của huyện. Hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm sầu riêng trong thời gian tới, huyện đã và đang từng bước xây dựng, củng cố thương hiệu sầu riêng Đức Cơ; xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng đạt chất lượng theo chuẩn VietGAP".
Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia các Tổ hợp tác, nông hội, hợp tác xã để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, nhằm xây dựng các chuỗi liến kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao. Mục tiêu nhằm xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận "Sầu riêng Đức Cơ", tạo bước đi quan trọng để quản lý và phát triển sản phẩm Sầu riêng tại huyện Đức Cơ, bảo vệ người nông dân và chính là bảo vệ người tiêu dùng.