Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo "Đánh giá người học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" với 98 bài viết khoa học và báo cáo trình bày của các học giả, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên)... cùng các trường phổ thông và mầm non.
Hội thảo bao gồm 1 phiên toàn thể và 4 phiên song song. Các nhà khoa học, quản lý giáo dục đã đóng góp nhiều ý kiến làm rõ những vấn đề về lý luận và thực tiễn trong việc đánh giá người học, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục cũng như nhu cầu xã hội.
Chia sẻ về đổi mới trong kiểm tra, đánh giá đáp ứng chương trình GDPT 2018 theo Thông tư 22, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho hay: "Mục đích đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học".
Đây cũng là nội dung được nhiều phụ huynh quan tâm bởi cách đánh giá hiện nay đã được đổi mới so với trước đây. Hiện nay, đánh giá có 2 hình thức là nhận xét và điểm số. Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu. Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét bản thân. Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi. Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ.
Đánh giá bằng điểm số: Giáo viên dùng điểm số để đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh. Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá. Kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học với 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho hay: "Đánh giá kết quả học tập của người học đối với các môn học và hoạt động giáo dục theo quá trình hay ở mỗi giai đoạn học tập chính là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học về năng lực, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của người học, hướng tới đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Tại Đại học Thủ đô Hà Nội việc đổi mới công tác kiểm tra đánh giá người học đã và đang được thực hiện thường xuyên, liên tục, chuẩn hóa và cập nhật. Đánh giá người học được quan tâm cả ở khu vực lý luận chung, đi vào từng bậc học từ Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đến Đại học, Sau Đại học, xem xét các mô hình đánh giá ưu việt cả ở Việt Nam và trên thế giới".
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình định hướng giáo dục và đào tạo cho mọi cấp học phổ thông do Bộ GDĐT Việt Nam ban hành ngày 26/12/2018 theo thông tư số 32. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam, một chương trình giáo dục phổ thông hoàn chỉnh được ban hành trước khi tiến hành biên soạn sách giáo khoa. Là một chương trình giáo dục được xây dựng theo hướng mở, lấy người học làm trung tâm, chương trình giáo dục phổ thông mới cho phép địa phương chủ động trong việc triển khai kế hoạch giáo dục theo định hướng giáo dục trên địa bàn mình, cũng như tạo điều kiện những nhà biên soạn sách và người dạy phát huy được tính chủ động.
Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa tham vấn cho cơ quan chức năng liên quan, từ đó nâng cao hiệu quả đánh giá người học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.