Dân Việt

Câu chuyện quả sầu riêng và yêu cầu nâng cao chất lượng hàng Việt xuất khẩu

V.N 16/12/2023 06:08 GMT+7
Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, từ EU đến Trung Quốc đều có những yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, có những tiêu chuẩn mới cho hàng xuất khẩu theo xu hướng chuyển đổi xanh.

"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"

Sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 95% lượng sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới - ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc cho biết tại cuộc tọa đàm giữa các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước. 

"Thuận lợi trong thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là khoảng cách gần, bước chân ra khỏi cửa là đến nhà nhau" - ông Trung nói tiếp. “Đối thủ trực tiếp của Việt Nam là Thái Lan nhưng họ vẫn ở khoảng cách xa hơn, vì thế họ xuất khẩu sầu đông lạnh và sầu múi sang Trung Quốc, không phải sầu tươi. Thế nhưng cá biệt một số doanh nghiệp Việt có gian lận xuất xứ, tem mác, sâu bệnh. Với quả sầu riêng, nông dân phun thuốc rất mạnh để tẩy dấu vết sâu bệnh nhưng vẫn bị phát hiện khi đến cửa khẩu".

Câu chuyện quả sầu riêng và yêu cầu nâng cao chất lượng hàng Việt xuất khẩu - Ảnh 1.

Tọa đàm Đại sứ với doanh nghiệp. Ảnh: Báo Quốc tế.

Đó là câu chuyện để ông Đỗ Nam Trung minh họa khi nói về những cơ hội và thách thức với doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Tập trung về vấn đề thương mại nông sản giữa hai nước, vị đại diện Việt Nam tại Nam Ninh cho biết: Trung Quốc là thị trường lớn, quan trọng cho nông sản Việt Nam. Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95% xuất khẩu sầu của Việt Nam ra thế giới,  sắn 90%, vải 90%, thanh long 80%.

“Thương mại Việt - Trung đang có những cơ hội cả về thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - ông Trung khẳng định.

Đó là trong bối cảnh quan hệ thuận lợi sau 2 chuyến thăm lẫn nhau của 2 Tổng Bí thư. 2 nước đều là thành viên Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Trung Quốc ACFTA, vì thế Việt Nam được hưởng được hưởng thuế quan ưu đãi. Sau 3 năm đại dịch, một ưu tiên của Trung Quốc là thúc đẩy tiêu dùng của người dân. Tầng lớp trung lưu của họ chiếm tỷ lệ tương đối lớn và là đối tượng sử dụng nông sản Việt Nam. Họ cũng coi trọng thị trường 100 triệu dân của Việt Nam, muốn xuất khẩu cá tầm, hoa quả chất lượng cao sang Việt Nam, nên chúng ta có vị thế để đàm phán về xuất nhập khẩu nông sản. Khoảng cách gần cũng là điều kiện rất tốt, hai nước lại có sự tương đồng về văn hóa ẩm thực, ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, thậm chí giống nhau từ khía cạnh tích cực đến tiêu cực - ông Trung cho biết. Trong bối cảnh đó, thương mại nông sản được lãnh đạo cấp cao và các cấp rất ủng hộ.

Nhưng cũng có không ít thách thức với doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập thị trường Trung Quốc. Theo ông Đỗ Nam Trung, doanh nghiệp cần nhiều thông tin để hiểu biết căn cơ hơn về thị trường Trung Quốc, nhất là văn hóa tiêu dùng:  Họ không còn dễ tính mà đã hướng tới thị trường tiêu chuẩn cao. Về chất lượng, các doanh nghiệp Trung Quốc nói rằng sự đồng đều chất lượng sản phẩm của Việt Nam kém của Thái Lan, đây là điểm chúng ta phải nâng cao hơn để chiếm lĩnh thị trường. 

Một yếu tố khác là thương mại điện tử đang cực kỳ phát triển ở Trung Quốc – đây là yếu tố mà doanh nghiệp Việt phải tăng cường hơn nữa để tận dụng. Về tốc độ, cần tăng cường tốc độ lưu thông từ vườn cây đến siêu thị, đến bàn ăn, điều này liên quan đến việc nâng cao cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu nhằm đảm bảo sự tươi ngon của nông sả.

Về uy tín, nhắc đến ví dụ về quả sầu riêng, ông Đỗ Nam Trung nhấn mạnh: “Doanh nghiệp phải  nâng cao uy tín để vững tâm làm ăn. Họ cũng cần phải có một một chiến lược ổn định, bền vững, lâu dài”.

Xu hướng mới của thế giới 

Cũng nhìn nhận về việc doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng, uy tín hàng xuất khẩu, song ông Nguyễn Văn Thảo, Đại sứ Việt Nam tại EU, nhìn từ một góc nhìn khác khi phụ thuộc quá vào một thị trường. Ông nói:  80% -90% lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của ta vào Trung Quốc là điều mừng hay lo? Về lâu dài tôi cho đó cũng là một rủi ro. Vì thế cần quyết tâm đủ lớn để vào các thị trường như EU. 

Theo Đại sứ, EU là thị trường lớn, mỗi năm nhập ngoài khối hơn 3.000 tỉ euro, đó cũng là  thị trường ổn định và bền vững, không có tình trạng nay đóng mai mở, kể cả trong dịch bệnh cũng chỉ xê dịch một chút. Họ rất  phát triển, tiềm lực tài chính, đi đầu trong phát triển xanh.

Riêng với Việt Nam, chúng ta là 1 trong 4 nước có FTA với EU, 3 nước kia là Nhật Bản, Singapore, Malaysia, song họ  không cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam. Giá trị thương mại của EU mỗi ngày là 2,5 tỉ USD trong khi họ muốn đa dạng háo nguồn cung, đó là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. 

Song thị trường Châu Âu là thị trường khó tính - ông Thảo nói. “Nhưng chúng tôi cho đây là thị trường tiêu chuẩn cao mà chúng ta chưa vào được, khác với việc hàng hóa Việt Nam tốt mà họ đóng cửa. Tiêu chuẩn cao là họ áp dụng cho toàn thế giới”. 

Theo ông Thảo, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chung của EU. Đó là lý do ta chỉ xuất được 1,7% trong số 3.000 tỉ euro hàng hóa họ nhập mỗi năm. Khó doanh nghiệp nào có đủ hàng hóa để đảm bảo nguồn cung 6 tháng liền để ổn định thị trường. 

Doanh nghiệp Việt lại hiểu biết hạn chế cả thông tin thị trường, thông tin luật pháp cực kỳ phức tạp dù họ chỉ có 1 hệ thống luật pháp áp dụng  cho cả 27 quốc gia EU. Vì thế, Đại sứ Việt Nam tại EU cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phải có quyết tâm vào được thị trường EU để tăng giá trị xuất khẩu. 

Một điểm mới nữa mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng là  những xu hướng mới của thế giới như phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, chúng ta phải thích ứng nếu không sẽ bị loại. 2 năm nữa quy định của EU về chống phá rừng, phát thải carbon sẽ có hiệu lực, doanh nghiệp  phải chủ động tìm hiểu thích ứng. “Nếu làm được với EU thì sẽ làm được với các đối tác khác” - ông Thảo nói.

 Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp như dệt may, thủy sản mong muốn các đại sứ cung cấp thông tin dữ liệu thị trường, chia sẻ kinh nghiệm của nước ngoài về khoa học, công nghệ; kết nối và xúc tiến đầu tư, thương mại; tư vấn về pháp lý và pháp luật trong bối cảnh nhiều tranh chấp, nhiều phức tạp trên thế giới.

Nhắc đến tình hình thế giới và kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khó khăn, bất định nhất trong nhiều thập kỷ, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng dẫn cảnh báo của World Bank về “một thập kỷ mất mát” ở phía trước.  Bà nói: “Hơn ai hết, các đồng chí Đại sứ ở những nơi tuyến đầu cảm nhận được những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, khu vực và sở tại. Hơn ai hết, các doanh nghiệp không chỉ cảm nhận mà phải chèo chống, thích ứng, vượt qua giông bão, khó khăn”. 

Thứ trưởng khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai rất quyết liệt tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Trong bối cảnh khó khăn này, sự phối hợp và đồng hành của Bộ Ngoại giao với các doanh nghiệp càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết để có những đóng góp hiệu quả, thực chất.