Có vẻ càng ngày, các CLB ở V.League càng phụ thuộc nhiều vào các ngoại binh và "sức khỏe" của một đội bóng ảnh hưởng khá nhiều theo phong độ của các cầu thủ này.
Ở V. League, các ngoại binh sẽ là các cầu thủ có trình độ, năng lực thi đấu cao hơn các cầu thủ nội và đó là lý do họ có mặt trong đội hình xuất phát. Một số đội bóng sẽ xây dựng lối đá dựa trên năng lực nổi bật của một cầu thủ nào đó. Đây là điều bình thường vì nó là thực dụng và mang lại những hiệu quả tức thì. Ví dụ như vào thời kỳ đỉnh cao của Maradona hay Messi, lối đá của ĐT Argentina được xây dựng xoay quanh các cầu thủ này.
Nhưng khi xem các cầu thủ Thể Công - Viettel thi đấu với Hà Nội FC tại vòng 6 V.League, có cảm giác rằng Thể Công - Viettel đã quá lệ thuộc vào tiền đạo Bruno. Với một trận đấu mà Hoàng Đức đá dưới sức, không thể đưa ra được những đường chuyền chính xác và sắc xảo, Bruno đã không thể phát huy được tác dụng và anh đá bóng như kiểu đá một mình. Có con số thống kê về sự tương tác của tiền đạo này với các đồng đội của anh như sau:
Trong hiệp 1, Bruno có bóng 11 lần, anh chuyền bóng phối hợp với đồng đội 4 lần, còn lại là sút bóng và mất bóng. Ở hiệp 2 còn tệ hơn, Bruno có bóng 12 lần. Anh chỉ đưa ra 3 đường chuyền cho đồng đội, còn lại là những cú dứt điểm về phía khung thành đối phương hoặc đi bóng và làm mất bóng.
Rất nhiều trong số các tình huống bóng này, lựa chọn hợp lý của Bruno là phải chuyền bóng phối hợp với đồng đội. Kể cả khi có Essam, cầu thủ người Ai Cập vào sân, 2 cầu thủ ngoại này của Thể Công - Viettel cũng gần như không kết nối với nhau. Họ không có được pha phối hợp nào, tạo được cơ hội nào cho nhau ngoại trừ đường chuyền của Essam cho Bruno để anh này xoay sở một mình rồi tung ra cú sút cầu môn từ ngoài vòng 16m50 ở đầu hiệp 2.
Khi có Maradona hay Messi, lối đá của ĐT Argentina xây dựng xoay quanh các cầu thủ này. Nhưng họ có khả năng cầm bóng, có tư duy phân phối bóng, tạo cơ hội cho đồng đội. Họ thi đấu rất đồng đội, là trung tâm của đội bóng, là hạt nhân của các đợt tấn công, mặc dù bóng sau khi được thu hồi thường sẽ được đưa đến chân họ, nhưng như thế không phải là cả đội bóng phục vụ họ.
Với cách mà Thể Công - Viettel thi đấu với Hà Nội FC trận này, các tiền đạo nội, đặc biệt là các tiền đạo trẻ sẽ không có đất diễn, họ sẽ không có cơ hội để phát huy khả năng bản thân. Khi thấy bóng cứ đến chân Bruno là anh ấy chỉ đi bóng hoặc dứt điểm thì không ai còn muốn di chuyển đón bóng hay chuẩn bị phối hợp khi bóng trong chân Bruno nữa.
Rõ ràng, với một lối đá như vậy, không những hiệu quả thi đấu không cao, mà các tiền đạo trẻ của Thể Công - Viettel mặc dù vẫn phải chấp hành chiến thuật, nhưng thật khó để hình dung rằng họ sẽ cảm thấy hài lòng với các diễn biến như vậy.
Về phía Hà Nội FC, trong trận thua CLB Bình Định ở vòng 4, ngoại binh Tagueu thi đấu khá cá nhân. Anh quá tham dứt điểm, dẫn đến hiệu quả thi đấu của đội bóng không cao. Nhưng trong trận gặp Thể Công - Viettel, Tagueu đã thi đấu khác hẳn. Anh đá đơn giản hơn, phối hợp nhịp nhàng, hợp lý với các đồng đội của mình. Hẳn đã có những tác động của HLV Đinh Thế Nam để cầu thủ này có sự điều chỉnh tích cực như vậy.
Dường như dù vẫn phải dựa vào sức mạnh của các cầu thủ ngoại, nhưng cách các cầu thủ ngoại hòa nhập vào lối chơi tập thể của Hà Nội FC ở thời điểm hiện tại phù hợp hơn cách mà những Bruno hay Essam hòa nhập ở Thể Công - Viettel. Mặc dù vẫn dựa vào sức mạnh của ngoại binh nhưng có cảm giác rằng ông Đinh Thế Nam đang cố gắng xây dựng nên một tập thể đội bóng mà tránh phải dựa vào một cầu thủ cụ thể nào.
Hy vọng, bằng sự điều chỉnh của HLV Thạch Bảo Khanh, các cầu thủ ngoại của Thể Công - Viettel sẽ thi đấu đồng đội hơn, hiệu quả hơn, và đội bóng này có những kết quả xứng đáng với vị thế của mình.