Dân Việt

Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Không bỏ học sinh lại phía sau

Hiếu Nguyễn 20/12/2023 06:39 GMT+7
Năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ theo phương án mới.

Lứa học sinh đang học Chương trình GDPT 2006 băn khoăn nếu không may trượt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ thi lại thế nào, được hỗ trợ ôn tập ra sao? Bộ GD&ĐT đã có phản hồi trước lo lắng này.

Học chương trình nào thi chương trình đó

Theo ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), liên quan đến việc thi lại của học sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã có giải đáp cụ thể tại họp báo công bố phương thức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chiều 29/11.

Theo đó, học sinh học theo chương trình giáo dục nào sẽ thi chương trình đó. Bộ GD&ĐT có thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các em trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 vào năm 2025. Việc tổ chức sẽ tính toán để bảo đảm nội dung, phương thức thi theo chương trình các em được học - Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT cho các em trượt tốt nghiệp năm 2024, thi lại vào năm 2025 sẽ khác với đề thi cho học sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025 thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

“Số thí sinh trượt tốt nghiệp thường không nhiều, nên việc tổ chức một kỳ thi riêng cũng không quá tốn kém. Như vậy, các em không lo học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nhưng phải thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, ông Huỳnh Văn Chương cho hay.

Cô Nguyễn Minh Thu - Hiệu trưởng Trường THPT Cao Lộc (Lạng Sơn) đánh giá: Tổ chức thi lại và có đề thi riêng cho học sinh học theo Chương trình GDPT 2006 là phương án tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh nếu không may trượt tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đồng ý kiến, thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) nhận định: Phương án của Bộ GD&ĐT bảo đảm yêu cầu, phù hợp nhu cầu người học, tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh chưa tốt nghiệp được dự thi và nội dung thi đúng chương trình được học. Tổ chức thi đồng thời sẽ khó hơn nhưng tạo được sự ủng hộ của người học và đồng thuận từ xã hội.

Người học có thể lựa chọn sử dụng chứng nhận hoàn thành chương trình THPT hoặc tham gia dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Thí sinh cũng chủ động trong ôn tập kiến thức chuẩn bị dự thi với đúng chương trình đã học. Nếu thi chung cùng nội dung với thí sinh Chương trình GDPT 2018 thì thí sinh Chương trình GDPT năm 2006 sẽ không đủ điều kiện (do chưa hoàn thành chương trình) và không đồng bộ, liên thông kiến thức.

img

Ảnh minh họa ITN.

Nhà trường sẵn sàng hỗ trợ

Theo thầy Hồ Đức Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Hương Khê (Hương Khê, Hà Tĩnh), hằng năm, nhà trường đều hỗ trợ cựu học sinh muốn ôn thi lại để thi đại học và cao đẳng, mỗi năm từ 15 đến 20 em. Căn cứ vào nhu cầu, trường có định hướng cụ thể giúp các em học tập, củng cố lại kiến thức.

Học sinh có thể học ngay từ đầu năm học, hoặc bắt đầu từ kỳ II, tuỳ theo nhu cầu và mong muốn. Thậm chí, nhiều em chỉ học từ 5 đến 10 tuần để ôn lại kiến thức cơ bản. Giai đoạn nước rút, trước kỳ thi khoảng 3 đến 4 tháng, các em thường đến địa điểm luyện thi ở TP Vinh (Nghệ An) hoặc TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) để học, tham gia ôn luyện đánh giá năng lực, tư duy nhằm chuẩn bị tốt nhất trước kỳ thi.

Riêng với học sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 muốn thi lại vào năm 2025, thầy Hồ Đức Cương cho biết: Chương trình GDPT 2006 học 11 môn học. Chương trình GDPT 2018, học sinh được lựa chọn môn theo năng lực, nguyện vọng. Khuyên thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024 không nên quá lo ngại, bởi cơ bản kiến thức giống nhau, thầy Hồ Đức Cương cũng thông tin nhà trường sẽ chuẩn bị, tạo điều kiện tốt nhất cho nhóm này.

“Chương trình 2006 thiên về trang bị kiến thức, Chương trình 2018 phát triển năng lực của học sinh, nên từ đầu năm học 2023 - 2024, chúng tôi đã thông tin, nếu các em trượt tốt nghiệp, hoặc đại học có nguyện vọng ôn thi tại trường có thể học từ đầu năm lớp 12 của năm sau. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để giúp đỡ, hỗ trợ tối đa cho các em.

Mặc dù nội dung kiến thức không khác nhiều, nhưng câu hỏi, cách ra đề có thể sẽ khác. Do đó chúng tôi cũng xây dựng hệ thống câu hỏi, đề thi, nguồn học liệu cung cấp cho học sinh; hướng dẫn học trò bám sát chương trình học để đạt kết quả mong muốn; duy trì việc phân nhóm, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp năng lực từng nhóm.

Hiện, đề thi chuyển sang hướng tiếp cận, định hướng đánh giá năng lực nên các em yên tâm ôn tập lại. Thầy cô, nhà trường luôn đồng hành giúp các em củng cố, ôn tập kiến thức hiệu quả nhất”, thầy Hồ Đức Cương chia sẻ.

Liên quan đến nội dung này, cô Nguyễn Minh Thu khẳng định Trường THPT Cao Lộc sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức để 100% học sinh thi năm 2024 đỗ tốt nghiệp. Đó là giải pháp tối ưu. Nếu có học sinh không đạt nguyện vọng, nhà trường chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ. Theo đó, học sinh sẽ được học dự thính ngay tại lớp chính khóa.

Việc xếp lớp được cân nhắc phù hợp với năng lực, nguyện vọng từng đối tượng: Học sinh trượt tốt nghiệp có nguyện vọng thi lại; học sinh đỗ tốt nghiệp nhưng trượt nguyện vọng đại học, cao đẳng muốn thi để lấy điểm xét tuyển. Nhà trường cũng sẽ quan tâm đến yếu tố tâm lý, khích lệ, động viên để các em tránh lo lắng, hoang mang; đồng thời đề nghị giáo viên đồng hành, hỗ trợ các em ôn tập tốt nhất.

Thầy Nguyễn Tấn Phát – Hiệu trưởng Trường THPT Tân Quới, (Bình Tân, Vĩnh Long) cho biết, nhà trường luôn sẵn sàng đón nhận tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trượt tốt nghiệp, hoặc trượt đại học năm trước có mong muốn được ôn tập tại trường. Các em sẽ được xếp lớp ôn tập các môn thi tốt nghiệp cùng học sinh lớp 12. Hoạt động họp phụ huynh, báo cáo nền nếp… được nhà trường thực hiện như đối với học sinh chính thức.

Hiện nay nhiều địa phương tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp THPT trên truyền hình nhằm hỗ trợ học sinh củng cố, hệ thống lại kiến thức trọng tâm, nâng cao kỹ năng làm bài. Hình thức này đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ở khu vực xa trung tâm và năm trước trượt tốt nghiệp có nguyện vọng thi lại.

Giáo viên được lựa chọn dạy ôn tập trên truyền hình là thầy cô có kinh nghiệm; việc ôn tập lại linh động về cả thời gian và không gian nên các em nên cố gắng tận dụng tốt nhất hình thức ôn tập này. 

Năm 2025, các bài ôn tập trên truyền hình có thể được xây dựng mới phù hợp với chương trình, nên học sinh trượt năm 2024 có thể tìm lại các bài giảng được lưu trữ trên không gian mạng để xem lại, hỗ trợ cho việc ôn tập, thầy Nguyễn Tấn Phát – Hiệu trưởng Trường THPT Tân Quới (Bình Tân, Vĩnh Long) cho hay.