Ngày 22/12, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (gọi tắt là thu phí hạ tầng cảng biển) trên địa bàn.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý Giao thông đường thủy (thuộc Sở GTVT TP.HCM) cho hay, từ ngày 1/4/2022 đến 15/12/2023, tổng số phí hạ tầng cảng biển đã thu được đạt khoảng 3.797 tỷ đồng. Thống kê số liệu cho thấy hệ thống thu phí hiện có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân hàng ngày có khoảng từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí, số lượng tờ khai phát sinh đến nay là trên 4.000.000 tờ khai.
"Trong điều kiện ngân sách TP còn khó khăn, từ ngày 1/4/2022 đến 15/12/2023, đơn vị thu phí đã thu và nộp về ngân sách TP 3.797 tỷ đồng. Đây là nguồn thu ý nghĩa để góp phần bổ sung giải quyết nguồn vốn bố trí cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kết nối khu vực cửa khẩu cảng biển của TP còn nhiều hạn chế", ông Sơn nói.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết trên cơ sở đề án thu phí, HĐND TP đã thông qua danh mục các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển, gồm 27 công trình được sử dụng từ nguồn thu phí nộp vào ngân sách TP để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP.
Theo đó, nhóm các dự án đã được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách TP bao gồm 15 dự án, tổng kế hoạch vốn đã bố trí là 24.000 tỷ đồng. Trong đó, 6 dự án đã có chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và 9 dự án đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Các dự án trọng điểm nổi bật như: Xây dựng, mở rộng Vành đai 2; mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái; hoàn chỉnh nút giao Mỹ Thủy; xây dựng nút giao An Phú; mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy); hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ…
"Hiện có rất nhiều công trình cần vốn, nhưng công trình nào kết nối với hạ tầng cảng biển cần được đầu tư, đã thực sự được ưu tiên đầu tư"- ông Lâm chia sẻ.
Chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, toàn bộ việc thu phí hạ tầng cảng biển đều thực hiện qua hệ thống tự động 24/7. Do đó, các đơn vị cần quan tâm cập nhật nâng cấp hệ thống để việc thu phí được thuận lợi nhất, không làm ảnh hưởng doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan liên quan cũng phải công khai, minh bạch trong việc sử dụng kinh phí thu được.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nguồn thu phí cảng biển đã xác định rõ sẽ sử dụng để tái đầu tư hạ tầng kết nối cảng, vì vậy, ngành giao thông TP cần ưu tiên công trình cấp bách, nhất là dự án đầu tư công xung quanh các cảng biển, hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa hệ thống cảng biển.