ĐH Quốc gia TP.HCM vừa tổ chức hội nghị thường niên 2023, công bố các mục tiêu trọng điểm trong năm 2024. Một trong số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 được đặt ra là triển khai đề án "Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐH Quốc gia TP.HCM".
TS.Lê Thị Anh Trâm, Trưởng ban Tổ chức cán bộ, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết mục tiêu của đề án là trong giai đoạn từ năm 2023-2030 sẽ thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về làm việc.
Trong đó, giai đoạn từ năm 2023-2025 sẽ thu hút 100 nhà khoa học; giai đoạn từ năm 2025-2030 thu hút 250 nhà khoa học. Như vậy, mỗi năm ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thu hút được khoảng 50 nhà khoa học.
ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đặt ra yêu cầu các nhà khoa học phải có trình độ tiến sĩ trở lên, còn ít nhất 5 năm công tác đến khi hết tuổi lao động, thành thạo tiếng Anh, để giảng dạy, nghiên cứu.
Để thu hút nhân tài, ĐH Quốc gia TP.HCM cam kết đảm bảo các chính sách phát triển, lộ trình nghề nghiệp trong 5 năm. Trong đó, các nhà khoa học trẻ 2 năm đầu sẽ được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ ba tiếp tục được cấp 1 đề tài loại B, với kinh phí cao nhất là 1 tỷ đồng.
Với các nhà khoa học đầu ngành, trong 2 năm đầu, họ được giao làm trưởng nhóm hoặc trung tâm nghiên cứu, được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu và xây dựng cộng đồng nghiên cứu trong và nước ngoài; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và một đề tài nghiên cứu loại B.
Chính sách thu nhập sẽ tùy theo từng trường thành viên, gồm lương, thưởng, các khoản phụ cấp, thu nhập do giảng dạy vượt giờ chuẩn, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM hỗ trợ nhà ở công vụ với người có nhu cầu.
Được biết, ĐH Quốc gia TP.HCM đã hình thành một hệ thống trên 100 phòng thí nghiệm, gồm 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, 11 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học quốc gia và các phòng thí nghiệm cấp khoa phục vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm.
Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM đã thiết lập quan hệ với các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học hàng đầu trong nước và thế giới: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, University of California, Berkeley, University of California, Los Angeles, Đại học Tokyo, Đại học Kyoto, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Quốc gia Đài Loan. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng là thành viên các tổ chức đại học khu vực và thế giới như AUN, AUF, CHEA…
ĐH Quốc gia TP.HCM là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus.
Giai đoạn 2017-12/2022, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố 7.881 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế ISI/Scopus, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực Computer Sciences, Mathematics, Physics and Astronomy, Chemistry, Chemical Engineering, Materials Science.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, tổng số bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí, hội nghị trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus đạt ~2.300 bài, là đơn vị có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước.