Dân Việt

Nguyên nhân đằng sau sóng lạnh kỷ lục ở Trung Quốc

Trọng Hà (Theo Reuters) 23/12/2023 19:08 GMT+7
Một làn sóng không khí lạnh giá bất thường đã thổi vào Trung Quốc trong tuần vừa qua.

Theo cảnh báo cao nhất từ chính quyền Trung Quốc, vào ngày 13/12, một đợt lạnh mạnh đã đổ vào từ Tân Cương và nhanh chóng lan tỏa về phía đông, bao phủ thủ đô Bắc Kinh trong thời tiết băng giá. Trong vài ngày, nó vượt qua sông Dương Tử và mang theo tuyết rơi hiếm khi xảy ra đến các vùng đồi núi xa về phía nam như Quảng Đông.

Mặc dù mùa đông lạnh giá là hiện tượng thường xuyên tại Trung Quốc, nhưng nhiệt độ thấp bất thường và thời gian kéo dài của đợt lạnh này đều cho thấy có thể có sự ảnh hưởng từ dải không khí lạnh hình tròn quanh Bắc Cực, hay còn được biết đến là xoáy cực. Điều này thường giữ không khí lạnh Bắc Cực không thể xâm nhập vào các vĩ độ thấp hơn.

Nguyên nhân đằng sau sóng lạnh kỷ lục ở Trung Quốc

Nguyên nhân đằng sau sóng lạnh kỷ lục ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Một làn sóng không khí lạnh giá bất thường đã thổi vào Trung Quốc trong tuần vừa qua. Ảnh: Daily Mail.

Theo Reuters, các nhà khoa học khí tượng gần đây đã đưa ra ý kiến rằng sự vênh của xoáy cực, di chuyển với tốc độ nhanh từ tây sang đông ở độ cao lên tới 50 km, được coi là nguyên nhân chính gây ra sự lạnh giá định kỳ ở Bắc Mỹ. 

Shao Sun, nhà khí hậu học tại Đại học California, Irvine, lưu ý rằng Vòng Bắc Cực đã trải qua thời kỳ nóng lên nhanh nhất trên toàn cầu trong 30 năm qua, gọi là "hiện tượng khuếch đại Bắc Cực". Sự nóng lên này dẫn đến suy yếu của xoáy cực ở Bắc Cực, tạo điều kiện thuận lợi cho không khí lạnh bên trong xoáy di chuyển về phía nam và góp phần vào sự xuất hiện của các đợt sóng lạnh.

Tranh cãi vẫn đang diễn ra về việc liệu sự suy yếu của xoáy cực có thường xuyên hơn và vai trò trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu đối với tần suất xuất hiện của chúng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu đã góp phần vào nhiều biến đổi thời tiết cực đoan, bao gồm cả những đợt lạnh bất thường trong mùa đông.

Báo cáo mới của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho thấy rằng phạm vi băng biển tiếp tục giảm và nhiệt độ ở Bắc Cực đã tăng nhanh ít nhất gấp đôi so với nhiệt độ toàn cầu.

Trong bối cảnh này, một số thành phố như Norilsk ở Nga, thành phố cực bắc thế giới, đang chứng kiến sự tăng nhanh về nhiệt độ, trong khi các vùng miền bắc Trung Quốc lại phải đối mặt với nhiệt độ thấp kỷ lục. Thành phố Đại Đồng ở tỉnh Sơn Tây ghi nhận nhiệt độ thấp đến mức âm 33,2 độ C vào tuần vừa qua, trong khi Bảo Định ở tỉnh Hà Bắc đóng băng ở nhiệt độ âm 23,3 độ C, đây là kỷ lục mới cho thành phố công nghiệp phía tây nam Bắc Kinh.

Thời tiết giá rét diễn ra sau khi Trung Quốc trải qua một mùa hè với nhiệt độ cao kỷ lục và lũ lụt tàn phá nặng nề miền bắc đất nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/12 kêu gọi "nỗ lực toàn diện" nhằm ứng phó khẩn cấp với tình trạng giá rét. Đối mặt "rủi ro thiên tai cao" do đợt rét đậm sắp xảy ra, ông yêu cầu nhà chức trách phải đặc biệt chú ý đến công tác phòng chống và cứu trợ.

"Năng lực cung cấp than, điện, dầu và khí đốt cần được tăng cường, đồng thời cần đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định và người dân luôn được sưởi ấm", lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh.

Một số chuyên gia từ Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc chỉ ra rằng có thể đây là một "sự tắc nghẽn tạm thời" do xoáy cực suy yếu, những biến đổi trong thời tiết đang khiến việc dự báo mùa đông ở Trung Quốc trở nên phức tạp hơn, đặc biệt khi xuất hiện hiện tượng thời tiết El Nino. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những thay đổi toàn cầu có thể làm cho  khí hậu trở nên bất ổn và dự báo khí hậu dựa trên mức trung bình không còn chính xác như trước.