Dân Việt

Vụ “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”: Trục lợi bảo hiểm ôtô trên 20 triệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Xuyên Đông 23/12/2023 19:22 GMT+7
Gian lận bảo hiểm ôtô trên 20 triệu, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong năm 2023, cơ quan công an thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Văn Hồng, sinh năm 1958, (trú tại khu 3, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) về tội "Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm".
Vụ “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”: Trục lợi bảo hiểm ôtô trên 20 triệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự - Ảnh 1.

Trục lợi bảo hiểm ôtô trên 20 triệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh họa: Xuyên Đông

Theo kết quả điều tra, từ năm 2021 - 2022, Lê Văn Hồng làm việc tại Công ty bảo hiểm Xuân Thành Tràng An với vai trò là cố vấn, sau này là Giám đốc Công ty.

Quá trình hoạt động, Công ty bảo hiểm Xuân Thành Tràng An có bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong đó đã bán bảo hiểm cho 2 xe ôtô mang BKS: 29H-176.11 và xe 29D-309.56.

Sau khi xảy ra tai nạn, Công ty bảo hiểm Xuân Thành Tràng An đã phối hợp với chủ phương tiện 2 xe ôtô trên để thu thập tài liệu hồ sơ giải quyết chi trả tiền bảo hiểm theo quy định.

Tuy nhiên, khi có thông tin vụ tai nạn, Lê Văn Hồng đã mua bảo hiểm của Công ty Bảo Minh và Công ty bảo hiểm Bưu điện cho 2 xe ôtô trên và nhờ Lê Thanh Hải, sinh năm 1994 và Trần Thị Hoa, sinh năm 1993, (cùng trú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhận là chủ của 2 xe ôtô trên.

Sau đó, Hồng chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa nội dung, hoàn thiện thành các hồ sơ giả gửi Công ty bảo hiểm Bưu điện và Công ty Bảo Minh để trục lợi số tiền 450 triệu đồng.

Trao đổi với Lao Động ngày 23.12, luật gia Lương Văn Ban, văn phòng Luật sư Tinh hoa Việt cho biết: Trong quá trình tham gia các vụ việc về giao thông, tôi nhận thấy các hành vi trục lợi bảo hiểm ôtô chủ yếu qua các hình thức như dựng hiện trường giả, xe xảy ra tai nạn mới mua bảo hiểm sau đó khai báo lùi ngày, chủ xe cấu kết với một số cá nhân là giám định viên của doanh nghiệp bảo hiểm để khai khống hồ sơ, điều chỉnh thời gian hoặc tai nạn thuộc điểm loại trừ vì trước đấy uống rượu nên không khai báo, hôm sau tự gây tai nạn đề nghị bồi thường…

Hành vi gian dối bảo hiểm xe có thể bị xử phạt hành chính. Nghiêm trọng hơn, người thực hiện hành vi này với số tiền trên 20 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 213, Bộ luật Hình sự.

Điều 213 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.