Dân Việt

Trường vùng cao đổi thực đơn, thời khóa biểu ngày giá rét

Những ngày thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài, trường học ở các địa phương có nhiều cách phòng, chống rét hiệu quả...

Trải thảm sàn, đổi thực đơn…

Sìn Hồ - một trong những địa phương của tỉnh Lai Châu chịu nhiều đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại, nhất là vào thời điểm đầu mùa Đông và giáp Tết Nguyên đán. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh khi đến trường học tập, sinh hoạt, Phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ sớm chỉ đạo công tác phòng tránh rét tới các trường trên địa bàn từ đầu năm học, đặc biệt ở cấp học mầm non, tiểu học.

Ông Phạm Văn Phôi - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sìn Hồ chia sẻ: “Phòng chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn tuyên truyền, vận động học sinh mặc ấm khi đến lớp. Đối với phòng ở bán trú chưa được kiên cố, các trường mua thêm bạt để chắn gió, giữ ấm cho học sinh. Ở cấp mầm non, phòng yêu cầu các trường tuyên truyền phụ huynh khi đưa con đến trường phải bảo đảm trang phục giữ ấm”.

Mấy ngày gần đây, nhiệt độ vùng cao Sìn Hồ xuống thấp, đặc biệt vào sáng sớm, nhiệt độ dao động dưới 10 độ C. Các trường trên địa bàn huyện đã chủ động nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc các em mặc đồng phục, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời.

Cô Cao Thị Cúc - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ cho biết: “Nhà trường chủ động che chắn phòng học, bán trú cho học sinh. Hiện trường có 226/395 em ở bán trú. Toàn bộ 8 phòng bán trú được che chắn cẩn thận; nhà trường cũng chủ động đun nước ấm cho học sinh vệ sinh cá nhân những ngày nhiệt độ xuống thấp”.

Sáng 21/12, dù nhiệt độ xuống thấp nhưng tỷ lệ học sinh chuyên cần tại Trường Mầm non Hương Lâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn duy trì hơn 95%. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hoa cho hay, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống rét, bảo đảm sức khỏe cho 291 học sinh. Theo đó, 12 lớp học đều bảo đảm kín gió, trải thảm, nhà trường vận động phụ huynh mua dép để trẻ đi trong lớp.

img

“Các lớp học được trang bị phích hoặc bình nước ấm. Nhà trường cũng phân công nhà bếp bảo đảm nguồn nước ấm phục vụ học sinh, giáo viên. Tuy nhiên, do trường miền núi, vận động xã hội hóa khó khăn nên 6/12 lớp có bình nóng lạnh để rửa tay, vệ sinh cho trẻ”, cô Hoa thông tin.

Giờ ngủ trưa của học sinh Trường Mầm non Hương Vĩnh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), mỗi phòng ngủ, giáo viên đều trải xốp, đệm và chăn bông, bảo đảm đủ ấm, giúp trẻ ngủ ngon giấc. Cùng với giữ ấm, nhà trường chủ động thay đổi thực đơn bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ trong thời tiết giá lạnh. Ngoài ra, chế độ ăn uống của các cháu được thay đổi để phù hợp với thời tiết. Thực đơn hằng ngày được tăng cường các món có nhiều đạm, vitamin.

“Đồ ăn sau khi chế biến để trong nồi inox giữ nhiệt bảo đảm nóng sốt khi đến tay các cháu. Dụng cụ như bát, khay ăn cơm, cốc uống nước được sấy ở nhiệt độ cao, khăn mặt luộc qua nước sôi, bảo đảm an toàn vệ sinh”, cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Vĩnh thông tin.

Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) tọa lạc ở địa điểm chạy song song với dãy núi Pù Luông có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Vì thế, những ngày qua, nhiệt độ nơi đây xuống rất thấp, nhà trường đã chủ động triển khai các phương án giữ ấm, phòng tránh rét cho học sinh.

“Trường đôn đốc giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh có ý thức phòng, chống rét. Đối với học sinh tiểu học, giáo viên dặn dò phụ huynh quan tâm mặc ấm cho cho các em”, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thế Tài trao đổi.

img

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Phăng Sô Lin (Sìn Hồ) được nhận quần áo ấm. Ảnh: Hà Thuận

Linh động thay đổi thời khóa biểu

Mấy ngày qua, do không khí lạnh tăng cường, các nhà trường tại huyện vùng núi Thanh Hóa đã linh động điều chỉnh thời khóa biểu cho học sinh tránh rét.

Theo thầy Nguyễn Thế Tài, từ sáng 21/12, nhiệt độ ngoài trời ở vùng Son - Bá - Mười (huyện Bá Thước) giảm xuống 5 độ C. Nhà trường phải điều chỉnh thời khóa biểu để tránh rét cho học sinh. “Nếu nhiệt độ ngoài trời xuống 8 độ C, trường điều chỉnh vào lớp lúc 8 giờ sáng, buổi chiều vào lớp từ 13 giờ 30 và học đến 15 giờ để học sinh nghỉ, về sớm tránh rét”, thầy Tài nói.

Tại huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), những ngày qua nhiều nơi xuất hiện sương mù dày đặc, giá rét bao phủ khiến cuộc sống, sinh hoạt học sinh gặp nhiều khó khăn. Thầy Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Tiến chia sẻ, với thời tiết khắc nghiệt như vậy, nhà trường phải điều chỉnh giờ vào lớp muộn hơn so với ngày thường.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, do thời tiết thay đổi, không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ ở Mường Lát xuống thấp. Nhiều tổ chức, cá nhân đã có hoạt động từ thiện, hỗ trợ áo ấm, chăn ấm, đồ dùng thiết bị cho trẻ khó khăn các trường ở huyện Mường Lát.

img

Trường PTDTBT Tiểu học Phăng Sô Lin chuẩn bị nước ấm cho học sinh. Ảnh: Hà Thuận

Trước tình trạng thời tiết khắc nghiệt, ngành Giáo dục huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã gửi thông báo đến tất cả cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn đề nghị nhà trường chủ động phòng, tránh rét cho học sinh.

“Phòng Giáo dục cũng yêu cầu cơ sở giáo dục phải linh động điều chỉnh thời khóa biểu cho học sinh tránh rét. Buổi sáng, điều chỉnh giờ vào học muộn hơn so với ngày thường, buổi chiều cho học sinh nghỉ sớm hơn để tránh rét”, ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết.

Theo quy định, học sinh Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) sẽ thực hiện mặc đồng phục đến trường. Tuy nhiên, do thời tiết xuống thấp, từ nhiều ngày qua, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo không bắt buộc mặc đồng phục thay vào đó học sinh mặc đủ ấm, bảo đảm sức khỏe.

Ngoài ra các hoạt động giáo dục ở Trường Tiểu học Nam Hà được tổ chức trong lớp học. Sáng 22/12, giáo viên các lớp đã tổ chức một số hoạt động thể dục, múa hát trong lớp giúp học sinh làm ấm cơ thể và tạo không khí vui tươi trước khi bước vào buổi học.

Tại Trường Mầm non Hương Vĩnh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), những ngày rét đậm, rét hại không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục. Căn cứ điều kiện thời tiết, nhà trường điều chỉnh thời gian học để học sinh không đến trường quá sớm...

Ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất trường lớp, chăn màn… cho hoạt động bán trú, các trường trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã quán triệt cán bộ, giáo viên sẵn sàng dạy bù khi học sinh được nghỉ học bảo đảm chương trình.

Thầy Bùi Ngọc Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sà Dề Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu) chia sẻ: “Mấy ngày nay trời trở lạnh, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh chủ động mặc quần áo ấm khi đến lớp. Cùng đó, trường thường xuyên cập nhật nhiệt độ ngoài trời để học sinh nghỉ học đúng quy định. Trong trường hợp nền nhiệt thấp mà chưa đến mức phải nghỉ học, nhà trường chủ động lùi thời gian vào học buổi sáng từ 15 – 30 phút so với ngày bình thường”.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục về việc chống rét cho học sinh. Theo đó, nhà trường tăng cường bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất: Phòng học, phòng chức năng, phòng ăn, phòng bán trú, nội trú đủ ánh sáng và giữ ấm cho học sinh. Riêng cơ sở giáo dục mầm non (kể cả nhóm trẻ độc lập tư thục) phải có đủ nước ấm để chăm sóc và phục vụ trẻ. Nhà trường tạm hoãn tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời trong những ngày rét đậm, rét hại; không bắt buộc học sinh mặc đồng phục trong những ngày giá rét; tuyên truyền, phối hợp cha mẹ nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm khi đến trường.