Tin từ BHXH tỉnh Tuyên Quang vừa cho biết, thời gian qua, nhiều lao động trên địa bàn tỉnh chẳng may mất việc đã tìm thấy điểm tựa nhờ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp kịp thời.
Một trong những lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là chị Hoàng Thị H (52 tuổi sống tại phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang).
Chị H chia sẻ: "Do lớn tuổi, tôi không còn phù hợp với ngành nghề nơi tôi làm việc. Do đó, khi công ty cắt giảm nhân sự, tôi nằm trong nhóm chấm dứt hợp đồng lao động. Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội gần 26 năm nên tôi được hưởng khoản trợ cấp thất nghiệp là 11 tháng.
Nhờ có bảo hiểm thất nghiệp, tôi được hưởng trợ cấp khoảng hơn 4,3 triệu/tháng, số tiền tuy không nhiều nhưng cũng đủ để tôi tạm thời lo liệu chi phí sinh hoạt nên tôi quyết định đăng ký học nghề mới để có thể chuyển đổi công việc trong tương lai gần".
Theo quy định của nhà nước, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm.
Bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động (NLĐ). Đặc biệt vào thời điểm NLĐ mất việc làm, khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ.
Tuy nhiên, nhiều NLĐ chỉ biết đến việc sẽ được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà ít để ý đến việc được hưởng hỗ trợ học nghề để sớm tìm được công việc mới phù hợp.
Những NLĐ tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngoài việc được hưởng một số tiền trợ cấp nhất định theo quy định của Nhà nước (60% tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động) còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng do đó NLĐ mất việc làm, mất thu nhập.
Vì vậy, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là một chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc cho người lao động khi thất nghiệp mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết khó khăn cho người sử dụng lao động. Trong bối cảnh đó, các cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho NLĐ và người sử dụng lao động.
Cụ thể ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ đối tượng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Có thể thấy bảo hiểm thất nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.
Vì vậy việc tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của cá nhân người lao động và doanh nghiệp sử dụng lao động, từ đó thúc đẩy việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày một hiệu quả hơn góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho đất nước.