Thái Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII trong bối cảnh nhiều khó khăn mới nảy sinh. Năm 1991, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch Nhà nước 5 năm (1991 - 1995), tổng diện tích cây lương thực giảm 0,7%, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh giảm, chỉ đạt 23,27 tạ/ha, bằng 49% vụ xuân năm 1990 và là vụ có năng suất thấp nhất kể từ năm 1970 trở lại; chăn nuôi giảm, sản lượng kén tằm giảm... gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phấn đấu bảo đảm ổn định nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh.
Đối mặt với thử thách này, nhận thức được vai trò, thế mạnh về kinh tế biển của địa phương, từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến các kỳ họp của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đều thống nhất cao chủ trương "đẩy mạnh phát triển kinh tế biển".
Nhất là từ khi có Nghị quyết số 02 ngày 18-9-1992 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XIV) "về kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết 15 và một số chủ trương, biện pháp đẩy mạnh khai thác kinh tế ven biển những năm tới", kinh tế biển đã có bước phát triển và đạt được một số kết quả nhất định. Nuôi tôm, cá nước lợ phát triển tương đối nhanh. Hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy với sự chỉ đạo của Liên hiệp Thủy sản cùng liên doanh, liên kết khai thác vùng nuôi tôm, nuôi cá khoảng 1.700 ha, đưa tổng diện tích lên trên 2.000 ha, thu hoạch 300 tấn hải sản.
Năm 1993, sau tiến hành sơ kết 3 năm thực Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xác định rõ hướng đi cơ bản và lâu dài, quyết định một số chủ trương và biện pháp lớn, Thái Bình chỉ đạo các cấp, ngành tiến hành triển khai đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt, tạo thắng lợi to lớn, toàn diện trên mặt trận sản xuất nông nghiệp; các chỉ tiêu cả trồng trọt, chăn nuôi và khai thác kinh tế biển đều tăng hơn năm trước và vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 9.200ha, tăng hơn 200 ha và bắt đầu chuyển dần từ nuôi thả quảng canh sang bán thâm canh. Toàn tỉnh có 150 chủ đầm, nuôi thả trên diện tích 4.000 ha. Sản lượng tôm, cá đạt 7.614 tấn, tăng trên 1.000 tấn so với năm 1992; đã xuất khẩu được 240 tấn tôm, 220 tấn cua, 60 tấn cá.
Đến năm 1995, nuôi trồng thủy sản không chỉ giữ vững diện tích, mà chuyển dần sang ứng dụng kỹ thuật thâm canh, sản lượng đạt 8.200 tấn; khai thác thủy hải sản gần 16.000 tấn. Giá trị thu nhập về thủy hải sản tăng 3% so với năm trước và chiếm tỷ trọng 4,5% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, tăng 2% so với năm trước.
Năm 1997, mặc dù tình hình trong tỉnh nhiều biến động phức tạp, nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế vẫn được các cấp ủy đảng, chính quyền coi trọng, quan tâm. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giành thắng lợi toàn diện với sản lượng các loại thực phẩm, thủy hải sản tăng so với cùng kỳ.
Thịt lợn hơi xuất chuồng là 45.800 tấn, tăng 8,52%; thủy sản nuôi trồng là 8.922 tấn, tăng 10%, hải sản đánh bắt là 23.750 tấn, tăng 2,4%. Một số địa phương mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, áp dụng phương thức nuôi theo quy trình công nghiệp bước đầu có hiệu quả. Lĩnh vực khai thác hải sản từng bước phát triển mạnh mẽ hơn. Một số hộ nông dân ở hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã vay vốn để cải tạo và đóng mới tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt hải sản ngoài khơi xa.
Kết quả 3 năm thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ tỉnh đã tiếp nhận cho ngư dân vay 42 tỷ đồng từ vốn ưu đãi của Chính phủ để đóng mới 15 đôi tàu lắp máy có công suất từ 300 – 320 CV, cải hoán 5 đôi tàu lắp máy có công suất từ 120 – 320 CV và đóng mới 1 tàu dịch vụ lắp máy có công suất 120 CV. Bước đầu giải quyết việc làm cho 350 lao động trực tiếp và hàng trăm lao động gián tiếp tham gia các dịch vụ, khâu thu mua, chế biến...
Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, diện tích trồng rừng phòng hộ ven biển và trồng cây phân tán cũng được các địa phương chỉ đạo tích cực. Tính đến năm 1999, toàn tỉnh đã trồng 810 ha rừng các loại, gồm 3.165.000 cây phân tán; quản lý và bảo vệ tốt 3.000 ha rừng trồng cũ. Diện tích nuôi trồng thủy, hải sản là 9.493 ha, trong đó có diện tích ao hồ, đầm nước ngọt là 5.864 ha; diện tích đầm nước mặn, nước lợ là 3.629ha. Sản lượng thủy hải sản nuôi trồng là 15.054 tấn; khai thác đánh bắt đạt 18.497 tấn.
Trên đà phát triển, ngành thủy sản ngày càng được tập trung đẩy mạnh cả về nuôi trồng và khai thác. Nuôi trồng ở cả 3 vùng nước mặn, lợ, ngọt đều tăng. Đặc biệt việc nuôi tôm sú phát triển rất mạnh. Năm 2000, có 663 hộ nuôi tôm sú, gấp 4,2 lần; diện tích nuôi là 883 ha, gấp 4,9 lần và sản lượng tôm sú thu hoạch được 209 tấn, tăng 10,4 lần so với năm 1998. Các mô hình nuôi tôm sú đã mở ra triển vọng lớn để khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng kinh tế biển.
Từ thực tế này, tỉnh đã chỉ đạo triển khai một số dự án chuyển đổi từ cấy lúa và làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy, hải sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm sú. Giá trị sản xuất toàn ngành thuỷ sản năm 2000 tăng 1,75 lần so với năm 1995, nhịp độ tăng bình quân 15%/năm, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản.
Nuôi, trồng hải sản thực sự đã trở thành hướng phát triển chính của kinh tế biển, luôn được tỉnh quan tâm đầu tư. Bằng công sức, tiền vốn của ngư dân và nguồn vốn của các chương trình xoá đói, giảm nghèo, toàn tỉnh đã xây dựng được gần 3.000 ha đầm nuôi tôm, cua, gần 1.000 ha nuôi ngao, rong câu; bước đầu du nhập một số giống hải sản có giá trị kinh tế cao và chuyển dần từ nuôi quảng canh sang nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh.
Kinh tế biển phát triển đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân và bảo vệ an ninh vùng biển.