Chứng chỉ được miễn thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT
Bộ GDĐT mới đây vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo dự thảo, Bộ mở rộng chứng chỉ thuộc diện miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, với môn tiếng Anh, ngoài chứng chỉ TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm, IELTS 4.0 như những năm trước đây, thì thí sinh có chứng chỉ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP), B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill, Aptis ESOL B1, PEARSON PTE B1 hoặc TOEIC 4 kỹ năng (Nghe: 275-399; Đọc: 275-384; Nói: 120-159; Viết: 120-149) cũng sẽ được miễn bài thi Ngoại ngữ.
Với các ngoại ngữ khác như Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật, các chứng chỉ để được miễn thi giống năm trước.
Là giáo viên tiếng Anh, hiệu trưởng trường trung học, nghiên cứu viên quan hệ quốc tế, diễn giả độc lập về giáo dục, từng tốt nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, thạc sĩ Đại học Stirling (Vương quốc Anh), MBA Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) tại Việt Nam, Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên cho rằng: "Mấy tuổi nên bắt đầu học tiếng Anh? Đây có lẽ là câu hỏi phổ biến nhất với cha mẹ ở Việt Nam. Ai cũng biết tầm quan trọng của tiếng Anh, tuy nhiên có quá nhiều thông tin trái chiều khiến một phụ huynh bình thường cũng khó giữ vững được quan điểm dựa trên những nghiên cứu của riêng mình. Sự thực là các chuyên gia ngôn ngữ đều cho rằng, ở lứa tuổi nào cũng có thể bắt đầu học ngôn ngữ, không quá sớm hay quá muộn. Dù học ở lứa tuổi nào cũng có những thuận lợi và những khó khăn đi kèm".
Giai đoạn 0-2 tuổi
Không kể các trường hợp thực hành "thai giáo", tức là cho trẻ nghe tiếng Anh ngay từ khi còn trong bụng mẹ, các trường hợp học tiếng Anh sớm nhất là từ khi trẻ sinh ra cho tới khi trẻ 2 tuổi. Rất hiếm các gia đình có điều kiện tạo môi trường tiếng Anh hoàn hảo cho trẻ 0-2 tuổi, trừ khi ít nhất một trong hai cha mẹ là người nước ngoài hoặc có thể nói tiếng Anh lưu loát như người bản ngữ.
Thông thường hơn, cha mẹ thường mở nhạc, bài hát, hay truyện đọc cho con nghe trong thời gian này. Cũng có một vài trường học nhận trẻ mầm non từ sớm và có các giờ học làm quen tiếng Anh, nhưng thời lượng chắc chắn không thể nhiều, trừ khi người chăm sóc trẻ chính ở trường là một người nói tiếng Anh. Có nhiều lý thuyết cho rằng, việc trẻ tiếp xúc sớm với một ngôn ngữ ở khoảng tuổi này sẽ giúp trẻ học hai ngôn ngữ và thành thạo cả hai như tiếng mẹ đẻ. Điều kiện là môi trường của cả hai ngôn ngữ đều nhiều và phong phú như nhau.
Giai đoạn 2-6 tuổi
Phổ biến hơn là trường hợp thứ hai ở các thành phố lớn, cha mẹ có điều kiện cho con học tiếng Anh từ lớp học mầm non, 2 đến 6 tuổi. Tùy từng loại trường và lứa tuổi, trẻ có thể có từ 1 đến 8 giờ mỗi ngày tiếp xúc với tiếng Anh. Ở lứa tuổi này, trẻ có nhu cầu học thông qua chơi, chứ chưa thể học hành chính thống với sách vở.
Lứa tuổi này, trẻ cũng đang thời gian phát triển và hoàn thiện năng lực tiếng mẹ đẻ (kỹ năng nghe và nói), cho nên trẻ cũng nắm bắt kỹ năng nghe nói ở các ngôn ngữ khác rất nhanh. Nhiều cha mẹ đã tận dụng được "lứa tuổi vàng" này để giúp con cái nhanh chóng giao tiếp được tiếng Anh một cách tự nhiên, gần giống như trẻ em bản xứ học ngôn ngữ.
Ở lứa tuổi này, phổ biến nhất là trẻ em học tiếng Anh thông qua trò chơi, qua bài hát, qua giờ vẽ, thủ công... nên giáo viên tiếng Anh sẽ thường là giáo viên dạy các kỹ năng khác. Ở lứa tuổi cao hơn, các em có thể học thêm các âm cơ bản và số đếm trong tiếng Anh. Tuy điểm mạnh của trẻ là khả năng bắt chước ngôn ngữ rất nhanh, được ví như những "tấm bọt biển hút nước", điểm yếu là các em chỉ có thể tiếp nhận một số lượng từ vựng hạn chế.
Giai đoạn Tiểu học
Trường hợp thứ ba là bắt đầu ở lứa tuổi tiểu học. Chương trình phổ thông hiện nay cho phép học sinh cả nước được học tiếng Anh bắt đầu từ lớp 3. Ở lứa tuổi tiểu học, học sinh đã phát triển đồng thời cả bốn kỹ năng cơ bản của tiếng Việt là nghe, nói, đọc, viết. Do vậy việc học tiếng Anh sẽ được hưởng lợi từ kỹ năng tiếng mẹ đẻ đã có của các em.
Trọng tâm của việc dạy tiếng Việt cấp tiểu học là việc đọc thông viết thạo tiếng mẹ đẻ. Nếu làm quen tiếng Anh vào thời gian này, các em cũng có điều kiện so sánh và kết nối tiếng mẹ đẻ với tiếng Anh và ngược lại. Tiếng Anh lứa tuổi tiểu học cũng thường được thiết kế cho các chủ đề phù hợp với nhu cầu giao tiếp thông thường và tâm lý lứa tuổi. Do vậy cũng tạo ra sự hấp dẫn cho học sinh, cũng như giúp các em nhanh thành thạo các kỹ năng nghe vào nói tiếng Anh hơn.
Đặc biệt, ở lứa tuổi tiểu học, một khi các em đã biết đọc và biết viết, sẽ bắt có kết quả tốt nếu tận dụng được tâm lý này, giúp các em đọc được các truyện đầu ham thích việc đọc sách, nhất là đọc truyện. Do vậy, tiếng Anh tiểu học sẽ đơn giản bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, cũng giống như mầm non, ở cấp tiểu học các em cũng chỉ có thể tiếp nhận lượng kiến thức cũng như vốn từ vựng nhất định, do vậy việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học phải theo hình thức từng chút một những đều đặn, liên tục, nâng cao dần.
Giai đoạn trung học
Khi học sinh bước vào cấp trung học, việc học tiếng Anh cũng chuyển dần sang tiếng Anh học thuật. Nếu học sinh bắt đầu học tiếng Anh học thuật vào thời gian này, mà trước đó chưa tích lũy đủ năng lực cơ bản về tiếng Anh giao tiếp, thường dẫn tới việc các em giao tiếp những vấn đề hàng ngày kém tự nhiên hơn vì thứ tiếng Anh các em học phục vụ cho các kỳ thi thường là tiếng Anh học thuật.
Ở cấp trung học, các môn học khác cũng có sự phân hóa rõ ràng môn học. Tiếng Việt của các em đã ở mức thành thạo cao. Do vậy, việc học tiếng Anh thường dựa trên sự phân tích tỉ mỉ cấu trúc từ vựng, ngữ pháp trong sự so sánh với tiếng Việt. Có một số kỹ năng, ví dụ viết ba phần của một bài văn, sẽ được các em chuyển đổi từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Trong bản thân môn tiếng Anh, cũng có sự phân môn sâu giữa các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp, từ vựng.
Giai đoạn sau 18 tuổi
Cuối cùng là việc bắt đầu học tiếng Anh khi đã là người lớn (sau 18 tuổi). Là người lớn, việc học tiếng Anh không thể và không cần thiết phải diễn ra như việc học của một đứa trẻ. Chúng ta không thể "tự đánh lừa" là mình là một đứa trẻ chưa biết tiếng Việt để bắt đầu học tiếng Anh như một trẻ em bản ngữ.
Chúng ta cần chấp nhận thực tế là tiếng Việt là nền tảng để chúng ta học nhanh hơn. Sẽ có những trở ngại của việc một số thói quen, bao gồm việc phát âm, của tiếng Việt sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta sử dụng tiếng Anh. Nhưng ngược lại, tiếng Việt cũng đóng góp những yếu tố thuận lợi để chúng ta không phải học lại từ đầu như một đứa trẻ.
Là một người lớn, chúng ta cũng có những chiến lược và kinh nghiệm học tập hiệu quả mà trẻ em chưa có được. Không có một kết luận chung cho việc học tiếng Anh ở lứa tuổi nào là lý tưởng. Các nước khác nhau cũng áp dụng lứa tuổi khác nhau cho việc học ngoại ngữ và mức độ thành thạo ngôn ngữ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác chứ không chỉ là lứa tuổi bắt đầu học. Tuy nhiên, có một điểm được thống nhất là khi trẻ em tiếp xúc một ngôn ngữ sớm hơn, thời gian dành cho chúng trong cuộc đời để học ngôn ngữ đó sẽ dài hơn. Càng lớn hơn, quỹ thời gian cho việc học ngôn ngữ càng ít đi do phải chia sẻ quỹ thời gian với số lượng các môn học khác tăng lên cũng như các mối quan tâm và phân tâm khác.