Bạn đọc hỏi: 2 tháng trước tôi trúng đấu giá biển số xe đẹp nhưng do gia đình tôi có việc cần tiền đột xuất nên tôi không đóng tiền trúng đấu giá được, chấp nhận mất cọc. Hiện nay tôi đã giải quyết xong việc riêng, muốn tham gia đấu giá lại thì có được không?
Luật sư Tạ Phương, Văn phòng luật sư Trung Hòa thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, khoản 1 Điều 10 Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định, điều kiện đăng ký tham gia đấu giá biển số xe là thuộc đối tượng tham gia đấu giá theo khoản 1 Điều 3 Nghị định này và nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản. Theo đó, người tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân người Việt Nam có đủ điều kiện tham gia đấu giá biển số xe ôtô theo quy định.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản, những người không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự…Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con…của người trực tiếp giám định, định giá tài sản;
Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật; Cha, mẹ, vợ, chồng, con…của người quy định tại điểm c khoản này; Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.
Bên cạnh đó, Luật Đấu giá tài sản 2016 cũng nêu rõ các trường hợp bị truất quyền tham gia đấu giá. Đó là những tổ chức, cá nhân có hành vi: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
Cản trở hoạt động đấu giá tài sản hay gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá. Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
Như vậy, theo luật sư Phương, pháp luật hiện hành không cấm với trường hợp đã trúng đấu giá mà từ bỏ kết quả trúng đấu giá. Do đó, người đã trúng đấu giá trong đợt trước nhưng bỏ cọc vẫn có thể đăng ký tham gia đấu giá lại ở đợt sau, song phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.