Thảo luận tại 10 trung tâm chiều 25/12, các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028, đã dành nhiều tâm sức cho Dự thảo Báo cáo chính trị cũng như "hiến kế" để các hoạt động Hội gắn với đời sống và thiết thực, cụ thể hơn. Đa phần các ý kiến đều có sự chuẩn bị công phu, bài bản, trình bày khoa học.
Tham gia góp ý cụ thể thêm về báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khoá VII trình Đại hội VIII, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh (ở Tổ thảo luận số 1) cho rằng phần tổ chức đào tạo nghề cho nông dân cần có thêm minh hoạ một vài mô hình tiêu biểu để thấy rõ hơn kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ, không mang tính chung chung.
Các đại biểu đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội tại các Trung tâm thảo luận. Ảnh: Phạm Hưng.
Đối với trang 20, chỉ tiêu số 11, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đề xuất nêu rõ chỉ tiêu tiêu thi đua "Hàng năm, số hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp chiếm bao nhiêu % tổng số hộ; hoặc tăng bao nhiêu % so với cùng kỳ" để thể hiện tính tích cực, tính thi đua và thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Cũng tại Tổ thảo luận số 1, ông Hoàng Văn Tường – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP.Hà Phòng cho rằng: Mục tiêu, chỉ tiêu trong dự thảo Báo cáo chính trị rất cụ thể, phù hợp với Nghị quyết 46 NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị. Đặc biệt 3 nhiệm vụ đột phá đề ra trong nhiệm kỳ mới đã thể hiện rất rõ, rất mới, sáng tạo để Ban Chấp hành T.Ư Hội, Ban Thường vụ T.Ư Hội ra các nghị quyết, chuyên đề lãnh đạo để tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Chủ đề báo cáo thể hiện tính phát triển phù hợp với xu thế nhiệm vụ mới đó là hợp tác phát triển.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP.Hải Phòng cho rằng về chỉ tiêu 30% hội viên tham gia liên kết hợp tác là còn cao, khó thực hiện; đề nghị giảm chỉ tiêu xuống 25%. Ông Tường cũng đề nghị, sau Đại hội, Ban Chấp hành T.Ư Hội, Ban Thường vụ T.Ư Hội có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể về hỗ trợ nông dân tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế tập thể, liên kết với doanh nghiệp…
Thảo luận tại Tổ số 5, bà Nguyễn Thị Vĩnh An - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, về chỉ tiêu số 9 "100% hội viên tham gia bảo hiểm y tế", đoàn đại biểu Tuyên Quang đã thảo luận rất kỹ. Khi T.Ư đưa ra chỉ tiêu 100% hội viên tham gia BHYT thì đối với Hội ND một số tỉnh sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu.
"Tổ chức Hội không có bất kỳ nguồn kinh phí gì liên quan đến phần thu, vận động về tham gia BHYT mà chỉ tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ… nên chúng ta phấn đấu 100% tham gia BHYT thì rất khó thực hiện".Theo bà An, chỉ tiêu này nên đưa xuống phần giải pháp để thực hiện và đưa vào tích cực tuyên truyền, vận động tham gia BHYT.
Chia sẻ, góp ý tại Tổ thảo luận số 3, đại biểu Trịnh Văn Hưng - Chủ tịch Hội ND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) kiến nghị: Trong 17 chỉ tiêu, có chỉ tiêu liên quan đến việc 250.000 hội viên tham gia BHXH tự nguyện. Nếu chia đều tính ra 63 tỉnh thành hay ở Hải Dương thì chỉ tiêu này vẫn quá cao. Chúng tôi phối hợp và tham khảo một số tỉnh, trước đây việc tham gia BHXH tự nguyện có nơi triển khai ở hệ thống chính quyền, giao cho công chức triển khai, có nơi giao Hội Liên hiệp Phụ nữ làm...
Đối với Hội liên hiệp Phụ nữ có lợi thế là có cán bộ từ các cơ sở rất nhiệt tình và tiếp cận nhanh với người dân, hội viên nên khi triển khai BHXH tự nguyện thuận lợi hơn.
Vừa qua, Huyện ủy Tứ Kỳ có thông báo cho cán bộ vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, nhưng đến nay có cán bộ chưa vận động được người thân tham gia. Huyện ủy có chỉ thị riêng và cử đoàn công tác về các địa phương mời các đối tượng tiềm năng và tuyên truyền mạnh hơn mới đạt hiệu quả cao, số lượng người tham gia BHXH...