Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, đường Trường Chinh, đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ, quận Tân Bình thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Vào buổi sáng, thời gian ùn tắc từ khoảng 6h30 - 8h30, buổi chiều từ 16h30 - 19h.
Mặc dù, được xem là cửa ngõ Tây Bắc kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Hóc Môn, Củ Chi và tỉnh Tây Ninh, thế nhưng đường Trường Chinh thường xuyên xảy ra kẹt xe, khiến việc di chuyển của người dân qua đây gặp rất nhiều khó khăn.
Theo quan sát, đường Trường Chinh từ Cộng Hòa đến nút giao thông An Sương có tới 10 làn xe lưu thông.Tuy nhiên, khi đến đoạn giao với đường Âu Cơ (dài khoảng 700m) bị "bóp lại" chỉ còn 4 làn xe lưu thông.
Trong khi đó, tại đây không chỉ có xe máy, mà còn có nhiều xe ô tô, xe tải, xe buýt... khiến việc di chuyển rất khó khăn.
Không chỉ vậy, đoạn dài khoảng 700m này còn có đường Tân Kỳ - Tân Quý cắt ngang với lưu lượng xe lưu thông rất lớn, do đó việc kẹt xe nơi đây càng trở nên nghiêm trọng.
Theo kế hoạch xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc ở TP.HCM năm 2023, đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý) đã được Sở GTVT TP lắp dải phân cách di động để điều tiết, phân luồng nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông.
Trong tờ trình gửi UBND TP.HCM mới đây, Sở GTVT TP đã đề xuất thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 765m, rộng 30m cho 6 làn xe lưu thông, với tổng vốn đầu tư 3.750 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2028.
Song song đó, để xóa điểm kẹt xe tại khu vực này, Sở GTVT TP cũng đề xuất dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) dài 636m, rộng 30m cho 6 làn xe lưu thông, với tổng vốn 1.345 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2027.
Theo tìm hiểu, trước đó, năm 2005, Khu quản lý giao thông đô thị TP.HCM đã lập hai dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến Tân Kỳ Tân Quý) và nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa) để xóa bỏ điểm kẹt xe này. Lúc đó dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 500 - 600 tỷ đồng, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên dự án đình trệ.
Đến năm 2010, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 TP tiếp tục trình hai dự án trên, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn chưa được đưa vào kế hoạch cấp vốn đầu tư.