Dân Việt

Sinh viên năm cuối sa bẫy lừa đảo vì thi mãi vẫn trượt chứng chỉ tiếng Anh

Mai Trang 27/12/2023 06:29 GMT+7
Sinh viên năm cuối cấp tập luyện thi để đạt chứng chỉ tiếng Anh, đủ điều kiện tốt nghiệp. Nhưng do "nước đến chân mới nhảy", nhiều sinh viên không kịp thời hạn tốt nghiệp, thậm chí bị lừa đảo.

Bị lừa đảo, không kịp tốt nghiệp vì chứng chỉ tiếng Anh

Một trong những điều kiện xét tốt nghiệp của các trường đại học là chuẩn đầu ra ngoại ngữ, thường được quy đổi bằng các chứng chỉ tiếng Anh, phổ biến là TOEIC, IELTS, TOEFL, CEFR... Vào năm học cuối, nhiều sinh viên gặp khó trong việc đáp ứng điều kiện này.

Bạn Minh Đức (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Lao động và Xã hội) cũng đang phải tất bật ôn tập tiếng Anh với hy vọng đạt đủ điều kiện xét tốt nghiệp mà nhà trường đưa ra.

"Mình đang gặp vấn đề lớn là vẫn chưa thể có được chứng chỉ tiếng Anh để ra trường mặc dù mình đã thi thử 2 lần trước đó nhưng đều không đạt.

Khó khăn lớn nhất đối với mình trong việc ôn thi chứng chỉ tiếng Anh là từ vựng. Trong đề thi chứng chỉ tiếng Anh có lượng từ vựng rất lớn và việc mình có vốn từ vựng ít khiến mình cảm thấy rất áp lực.", Minh Đức chia sẻ.

img

Minh Đức luôn lo lắng cho việc thi chứng chỉ tiếng Anh (Ảnh: NVCC)

Minh Đức và một số sinh viên năm cuối đang cần chứng chỉ tiếng Anh ra trường chia sẻ rằng đã chọn cách tự học và tự luyện thi các chứng chỉ quốc tế để tiết kiệm chi phí vì sợ đến các trung tâm cũng chẳng thể theo kịp. Việc tự học cũng khiến Đức và nhiều bạn bị mông lung và chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Chính vì nhu cầu học tiếng Anh của các sinh viên năm cuối, nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra với mục đích để trao đổi thông tin về các khóa học cấp tốc, đảm bảo đầu ra mà chẳng cần ôn tập quá nhiều. Tuy vậy, các hội nhóm này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sinh viên mắc bẫy lừa đảo, mất số tiền lớn nhưng điểm số vẫn chẳng thể thay đổi.

Trong số những bạn sinh viên bị lừa đảo, Ngô Thùy (21 tuổi, sinh viên năm cuối Trường Đại học T.M.) đã để mất tiền "oan" cho một trung tâm ảo trên mạng.

Thùy kể: "Em và 22 bạn khác trong lớp chưa có bằng B2 (CEFR), trong khi yêu cầu của trường là cần có chứng chỉ B2 để đạt điều kiện lên năm 3 và nhận bảng điểm tốt nghiệp. Trải qua 3 lần thi chỉ đạt 5-5,5 và được B1, thực sự đã quá nản nên em có tham gia một nhóm ôn thi TOEIC trên Facebook để tham khảo cách ôn thi hiệu quả của các bạn trong đó.

Sau một tuần tham gia nhóm, có một chị tự xưng là nhân viên của trung tâm tiếng Anh Z ở Cầu Giấy (Hà Nội) tư vấn tư vấn mua bộ đề ôn luyện tại trung tâm với cam kết sẽ đỗ, sẽ hỗ trợ đến tận hôm thi. Nếu không đỗ sẽ hoàn lại toàn bộ tiền với giá 12 triệu đồng. Lúc đó, với tâm lý của một người thi ba lần đều trượt như em, em đã đồng ý và xin bố mẹ tiền để chuyển khoản luôn.

Sau hơn 3 tháng ôn thi với sự hướng dẫn của chị, em tiếp tục trượt lần thứ 4 và số tiền đã chuyển cho chị ấy cũng chẳng lấy lại được, gọi theo số điện thoại của chị ấy thì chỉ thuê bao".

Chia sẻ thêm, Thùy nghẹn ngào: "Các bạn cùng lớp đã có bằng tốt nghiệp và đi làm hết rồi, giờ chỉ còn mỗi em. Thật sự em rất mông lung về vấn đề sự nghiệp trong tương lai và chẳng biết sẽ đi về đâu. Hy vọng lớn nhất của em bây giờ chỉ là đợi đến kỳ thi tiếp theo và cố gắng hết sức mình, vì càng để lâu bản thân sẽ thêm nản".

Gặp tình trạng giống Thùy, Quang Hiếu (21 tuổi, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng từng mất một số tiền lớn để ôn thi tại trung tâm nhưng kết quả vẫn chẳng thể đủ để tốt nghiệp.

"Mất gần một năm ôn thi tại trung tâm, em đi học rất đều, chẳng nghỉ buổi nào nhưng cảm thấy bản thân chẳng theo kịp. Cố gắng ôn thi đúng với các kiến thức trung tâm đưa ra mà đến lúc thi điểm vẫn thấp.

Em rất nản nhưng vẫn cố gắng tiếp tục theo học vì trước đó đã đóng hơn 10 triệu đồng. Nhìn các bạn lần lượt có bằng tốt nghiệp nên em chẳng thể nào bỏ cuộc", Hiếu chia sẻ.

Ôn tập từ sớm, tránh tâm lý "nước đến chân mới nhảy"

Không để đến năm cuối mới chật vật ôn thi, Tú Anh (20 tuổi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Vì biết rõ những điều kiện để được ra trường nên em đang cố gắng tranh thủ ôn tập để đạt đủ điểm tránh phải thi lại nhiều lần mất thời gian và đem lại tâm lý lo lắng.

Việc học và đi làm thêm cũng chiếm một khoảng thời gian khá lớn nhưng em vẫn luôn cố gắng để ra 2 tiếng vào buổi tối để học từ vựng và ngữ pháp. Em cũng mong là kết quả sẽ ổn và đủ điểm TOEIC như mục tiêu đã đề ra."

img

Tú Anh lựa chọn ôn thi tiếng Anh sớm thay vì đợi đến năm cuối mới ôn (Ảnh: NVCC)

Nhận xét về tình hình học tiếng Anh hiện nay của các sinh viên, thầy Nguyễn Bá Nghĩa, giảng viên khoa tiếng Anh của Học viện Ngoại giao cho rằng nhiều bạn sinh viên hiện nay không thực sự đầu tư cho ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

"Nhiều sinh viên cho rằng việc học ngoại ngữ chỉ đơn giản là học để có được chứng chỉ để các bạn ra trường, để xin việc. Điều này được thể hiện qua hiện tượng thi hộ hay các hội nhóm dự đoán đề thi mọc lên như nấm sau mưa.

Việc học ngoại ngữ với các bạn chỉ là một mục tiêu ngắn hạn và không phải là một khoản đầu tư sinh lời trong dài hạn. Điều này, một phần cũng đến từ việc giáo dục ở bậc phổ thông không thực sự rõ ràng và cẩn thận về mục tiêu học tập.

Đáng ra, các bạn sinh viên cần xác định mục tiêu học tập ngoại ngữ là việc học một ngôn ngữ để từ đó sử dụng nó như chìa khóa để có thể tiếp cận được những tri thức khác của cuộc sống, để mở rộng vốn kiến thức của mình, từ đó có thể đem đến những hiệu quả về mặt kinh tế hay văn hóa của các bạn", thầy Nghĩa chia sẻ.

Trước thực tế này, thầy Nghĩa nói thêm: "Khi bắt đầu bước chân vào học ngoại ngữ, các bạn cũng muốn học nhanh chóng, trong khoảng từ 3-6 tháng để có thể xong. Điều này được thể hiện qua việc nhiều trung tâm ngoại ngữ hiện nay dạy học theo hướng cho bài mẫu, cho câu mẫu để người học học thuộc theo.

Chính vì vậy, làm các bạn không hiểu bản chất vấn đề, không liên hệ được vấn đề với đời sống của chính bản thân các bạn. Hậu quả lâu dài nằm ở chỗ, kể cả đã thi được chứng chỉ rồi, các bạn cũng không thể giao tiếp một cách có bài bản, có nội dung và quan trọng là không thể sử dụng ngoại ngữ để phục vụ những mục đích làm việc của mình".

TS Ngô Bích Ngọc, Trưởng khoa Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Swinburne Việt Nam đưa ra lời khuyên: "Học ngôn ngữ là một quá trình phải tiếp thu theo thời gian, ngôn ngữ không chỉ là một kỹ năng mà còn là cả một quá trình nhận thức với văn hóa ngôn ngữ bao gồm cả từ vựng lẫn ngữ pháp và cách vận dụng ra sao, thì sẽ cần rất nhiều thời gian để sử dụng và rút ra được những kinh nghiệm.

Từ đó mới có thể nâng cao được trình độ. Việc ôn thi tiếng Anh trong một thời gian ngắn không thể đảm bảo được một kết quả tốt, trừ khi chúng ta đã có sẵn một trình độ nhất định đủ để thi các chứng chỉ như TOEIC, IELTS, B1, B2…

Chính vì vậy, với tất cả những đối tượng đang học ngoại ngữ, chúng ta cần phải có một lộ trình học tập phù hợp, tối thiểu phải là 6 tháng đến một năm. Đặt một mục tiêu cụ thể để có được một khoảng thời gian học đều đặn, có quy định và kế hoạch học tập thật rõ ràng. Và điều quan trọng là phải thật chăm chỉ và quyết tâm cho những thứ mình đã đề ra."

img

TS Ngô Bích Ngọc đưa ra lời khuyên nên học tập ngoại ngữ từ sớm cho các bạn sinh viên (Ảnh: NVCC).

Các thầy cô giáo khuyên, việc học là cả một quá trình dài đặc biệt là học môn ngôn ngữ, không thể học trong một khoảng thời gian ngắn là có thể nắm được hết tất cả các kiến thức. Việc có chứng chỉ tiếng Anh không chỉ giúp các bạn sinh viên ra trường đúng hạn mà còn giúp cho công việc lâu dài của các bạn sau này.