Ngày 27/12, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2023, cấp ủy các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 355 tổ chức Đảng và 2.388 đảng viên.
Qua kiểm tra kết luận 213 tổ chức Đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 87 tổ chức Đảng; có 1.814 đảng viên vi phạm, phải thi hành kỷ luật 1.287, đã thi hành kỷ luật 1.169 đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.537 tổ chức Đảng và 9.246 đảng viên. Từ đó, kết luận có 2.315 tổ chức Đảng và 7.395 đảng viên có vi phạm.
Phải thi hành kỷ luật 284 tổ chức Đảng và 3.052 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 216 tổ chức Đảng, 2.645 đảng viên.
Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với 16.635 tổ chức Đảng (tăng 24,64% so với năm 2022). Qua kiểm tra, kết luận có 15.979 tổ chức, đơn vị thực hiện tốt.
Đối với công tác giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, cấp ủy các cấp giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của 91 đảng viên, uỷ ban kiểm tra các cấp giải quyết khiếu nại của 84 đảng viên.
Bên cạnh đó, uỷ ban kiểm tra các cấp kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập đối với 7.393 đảng viên; qua kiểm tra, giám sát kết luận 239 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Công tác phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra các cấp với các cơ quan chức năng có liên quan ngày càng chặt chẽ, nâng cao hiệu lực... Nổi bật là việc đổi mới phương pháp, quyết liệt thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước, về thị trường tài chính, quản lý công, đấu thầu đối với các gói thầu, dự án của Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,… gắn kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập với các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
Qua kiểm tra, giám sát kết luận khách quan, chính xác, xử lý nghiêm minh nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương những kết quả thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Chỉ đạo thêm về công tác kiểm tra, giám sát, bà Mai cho biết, trong thực tiễn có những tổ chức đảng, sau khi giám sát, có kết luận, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tiếp tục kiểm tra có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức 31 đoàn kiểm tra 53 tổ chức đảng; trong năm 2023 có 10 đoàn kiểm tra 30 tổ chức đảng; qua kiểm tra cho thấy các cấp ủy, tổ chức đảng có điều kiện nhìn lại sâu sắc hơn việc quán triệt, cụ thể hóa, chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, có giải pháp khắc phục hạn chế khuyết điểm, mang lại kinh nghiệm chung.
Thường trực Ban Bí thư cũng nêu rõ, công tác kiểm tra có dấu hiệu vi phạm là công việc rất lớn của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật, so với con số hơn 50.000 tổ chức đảng, hơn 5,3 triệu đảng viên, con số này không phải quá lớn nhưng cũng không nhỏ.
"Chưa bao giờ việc xử lý tới mức độ này, có thể trước đây ta làm chưa mạnh vì nhiều lý do, con số này rất đáng quan tâm. 83 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó 59 cán bộ vi phạm do khuyết điểm từ trước, 24 đảng viên do vi phạm tại thời điểm hiện nay. Con số này cho thấy điều gì, chúng ta cần đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời. Đó là sau khi Đảng đẩy mạnh chủ trương xây dựng chỉnh đốn, phòng chống tham nhũng tiêu cực, vẫn còn tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cán bộ lãnh đạo quản lý, vi phạm do vô ý hay do cán bộ chưa biết sợ, đặt lợi ích của cá nhân cao hơn lợi ích của Đảng mà vi phạm quy định".
Đặt vấn đề như vậy, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần tiếp tục phân tích, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Liệu sắp tới còn không, làm như thế cán bộ đã biết sợ chưa, làm sao để khắc phục, giảm mạnh, dừng được cơ bản vi phạm mới đối với cán bộ đảng viên.
Bà Mai cho rằng, để làm được nhiệm vụ kiểm tra dấu hiệu vi phạm tốn nhiều công sức, thời gian, con người; kết luận phải đúng, thận trọng, chặt chẽ, khách quan, công tâm và phải qua nhiều khâu, làm sao để khi ban hành kết luận người ta phải tâm phục khẩu phục, chính xác, trung thực... Kết luận là một việc, nhưng xử lý phải xem xét toàn diện, cân nhắc nhiều mặt, nhiều góc độ, quan trọng nhất là làm sao để cán bộ bị xử lý kỷ luật nhận thức được sâu sắc sai phạm của mình, chấp nhận yêu cầu của Đảng, thậm chí kỷ luật ở mức cao, để nỗ lực khắc phục.
Thường trực Ban Bí thư cũng chia sẻ, thực tiễn xử lý vừa qua, cho thấy đa số cán bộ vi phạm chấp hành nghiêm túc quy định của Đảng, tán thành cao với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra các cấp. Có cán bộ sau khi nhận quyết định kỷ luật đã bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm trong tư tưởng, giải tỏa được gánh nặng khi chấp hành kỷ luật của Đảng.
Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, truy tố, xét xử của Nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.