Nông dân hưởng lợi từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
Hà Nội là một trong những địa phương có nguồn Quỹ HTND lớn nhất cả nước và số hội viên nông dân hưởng lợi từ nguồn quỹ này nhiều nhất.
Thăm các mô hình sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của hội viên nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND, chị Đào Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội ND xã Vân Hà (huyện Đông Anh) chia sẻ, Hội Nông dân xã đang quản lý gần 1,6 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho hơn 50 hộ vay. Từ nguồn vốn HTND, các hộ nông dân đã mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia chi hội, tổ hội nghề nghiệp liên kết sản xuất, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm chạm khắc gỗ mỹ nghệ của địa phương.
Kết quả trên là một trong những thành công ấn tượng của các cấp Hội NDVN trong thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội VII đề ra: Tăng trưởng Quỹ HTND đạt 1.761,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, vượt chỉ tiêu...
Anh Nguyễn Thành Lưu (thôn Thiết Ứng, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) phấn khởi nói: "Gia đình tôi vừa được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội. Với số tiền được vay, tôi thuận lợi hơn khi mở rộng sản xuất".
Hội ND huyện Đông Anh đang quản lý hơn 40 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho hơn 1.600 hộ nông dân vay vốn thông qua 91 dự án. Chủ tịch Hội ND huyện Đông Anh Ngô Văn Lệ khẳng định: Nguồn vốn từ Quỹ HTND được hội viên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đặc biệt là không có nợ quá hạn, nợ xấu. Một số mô hình điểm có thể kể đến là dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp tại xã Vân Hà; dự án trồng rau an toàn ở xã Vân Nội; trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá...
Tại huyện Gia Lâm, đến nay, Quỹ HTND của huyện đã có gần 45 tỷ đồng. Trong đó, thành phố ủy thác 33,6 tỷ đồng (chiếm 75%), huyện vận động được 8,99 tỷ đồng, còn lại là do các xã, thị trấn vận động. Còn tại các huyện, thị xã: Thanh Trì, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây..., đồng vốn quỹ hỗ trợ cũng đã và đang là đòn bẩy để hộ nông dân mở rộng phát triển kinh tế.
Các mô hình vay vốn Quỹ HTND đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, nâng cao vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị. Nguồn vốn Quỹ giúp hội viên nông dân thêm vốn mở rộng quy mô sản xuất; chuyển đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất quảng canh, nhỏ lẻ sang thâm canh, liên kết xây dựng mô hình kinh tế hợp tác quy mô lớn, bước đầu hình thành các vùng chuyên canh; thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ tăng 10-20% so với khi chưa tham gia dự án vay vốn.
Hiện nay, Hội ND thành phố Hà Nội quản lý hơn 782 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND. Trong đó, Quỹ Trung ương Hội ủy thác 2 tỷ đồng, chiếm 0,25%; Quỹ cấp thành phố đạt trên 650 tỷ đồng, chiếm 83%; quỹ cấp huyện, thị xã đạt hơn 95,8 tỷ đồng, chiếm 12,11%; quỹ do Hội ND cấp xã vận động đạt 36,8 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2023, mức tăng trưởng vốn Quỹ HTND của thành phố đạt 64,3 tỷ đồng, đạt 321,8% chỉ tiêu T.Ư Hội giao. Hà Nội là địa phương có tổng nguồn vốn Quỹ HTND lớn nhất cả nước với 23.239 hộ vay vốn, tham gia 1.439 dự án, bình quân khoảng 500 triệu đồng/dự án, hơn 41 triệu đồng/hộ vay.
Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, nhờ làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nên nguồn ngân sách thành phố Hà Nội duyệt cấp bổ sung cho hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng đều qua các năm.
Về phạm vi cả nước, theo bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng ban Điều hành Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN, từ nguồn vốn khởi điểm 40 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển sang, đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 125 lần so với thời điểm mới thành lập. Nguồn vốn Quỹ HTND có bước chuyển mình mang tính đột phá cả về quy mô và hiệu quả hoạt động, thiết thực hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và là điều kiện quan trọng để Hội NDVN thu hút hội viên, nông dân; nâng cao trình độ năng lực cán bộ Hội các cấp...