Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, giao lộ ngã năm Đài liệt sĩ (quận Bình Thạnh) là điểm giao cắt của các trục đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí... khi hướng về cửa ngõ phía Đông Bắc TP. Nơi đây thường xảy ra xung đột giữa các dòng xe từ các nơi đổ ra giao lộ.
Trong đó, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã năm Đài liệt sĩ hàng ngày đều xảy ra tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm. Đây cũng là một trong số các "điểm đen" ùn tắc giao thông của TP.HCM.
Đặc biệt, những tuyến đường trên đều có rất nhiều hẻm, phương tiện từ đó đổ ra các trục đường chính càng khiến tình trạng kẹt xe nơi đây càng trở nên trầm trọng.
Anh Võ Hoàng Trình (34 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, hàng ngày mỗi buổi chiều tối đi làm về, anh chỉ có thể nhích từng chút một từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã năm Đài liệt sĩ. Bởi trên đoạn đường này có hàng ngàn chiếc, đủ các loại từ xe máy, ô tô, xe buýt... chạy đan xen, đua nhau lên trước. Một yếu tố khác là dòng xe từ đường D5 đổ ra khiến nhiều xe đang đi thẳng phải chạy chậm lại để nhường đường.
"Một quãng đường ngắn chưa đầy 1km nhưng rất vất vả mới vượt qua được. Nếu không đi qua đường này, tôi không biết nên đi đường nào để thuận tiện trở về nhà sau mỗi ngày làm việc. Cũng may ở đoạn ngã năm Đài liệt sĩ còn có lực lượng cảnh sát giao thông luôn túc trực, điều chỉnh đèn giao thông, giảm bớt sự hỗn loạn", anh Trình kể.
Ngay gần đó, đường Ung Văn Khiêm (từ ngã năm Đài liệt sĩ đến khu du lịch Tân Cảng), quận Bình Thạnh với 2 làn xe cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi tan tầm. Vào giờ cao điểm, những chiếc xe nối đuôi nhau kéo trên đường, di chuyển chậm chạp, chen chúc nhau.
Theo quan sát, có hai vị trí thường xảy ra kẹt xe là tại đoạn giao với giao đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần khu du lịch Tân Cảng) và đoạn giao với đường Nguyễn Gia Trí (tên cũ là đường D2).
Chị Nguyễn Thị Huyền (40 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho hay, trên đường Ung Văn Khiêm mỗi khi chiều tối, nhiều xe đẩy, hàng quán bắt đầu lấn chiếm khu vực vỉa hè để buôn bán. Một số nhà hàng, quán ăn còn để xe máy, ô tô của khách hàng sát ra lòng đường. Việc này khiến cho tuyến đường vốn đã kẹt càng trở nên khó di chuyển hơn.
"Quãng đường chưa đầy 2km, nhưng mất cả 20-30 phút để đi qua. Nghĩ đến việc di chuyển hàng ngày trên đoạn đường này cũng đủ khiến tôi cảm thấy mệt mỏi", chị Huyền chia sẻ.
Để giảm bớt tình trạng kẹt xe khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã năm Đài liệt sĩ), cơ quan chức năng đã nhiều lần điều chỉnh phân luồng giao thông. Gần đây, ngày 9/9/2023, Sở GTVT TP.HCM đã cấm xe ô tô lưu thông trên đường D5 (đoạn từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) trong khoảng thời gian từ 17h30 - 20h theo hướng từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngoài ra, Sở GTVT TP.HCM cũng đã đề xuất UBND TP ưu tiên triển khai đầu tư đối với dự án xây dựng nút giao Đài liệt sĩ và dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm. Tổng vốn đầu tư hai dự án là 3.396 tỷ đồng.
Trong đó, dự án xây dựng nút giao Đài liệt sĩ được đề xuất xây dựng theo phương án đảo xoay vòng kết hợp hầm chui, kèm theo đó là mở rộng các tuyến đường nhánh tại nút giao. Tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, giai đoạn thực hiện 2024 - 2027.
Song song đó, dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm (từ ngã năm Đài liệt sĩ đến nhà hàng Tân Cảng) có tổng vốn đầu tư 2.396 tỷ đồng dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2029. Theo kế hoạch, tuyến đường dài 1,7km này sẽ được mở rộng 30m, quy mô 6 làn xe.
Sở GTVT TP.HCM dự kiến sẽ đầu tư dự án theo hình thức BT (trả chậm) theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng nút giao Đài liệt sĩ và dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm trước đây thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2).
Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) đã được TP.HCM ký hợp đồng BOT với Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) vào năm 2018 với tổng vốn đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục mở rộng đường Ung Văn Khiêm với quy mô 6 làn xe; xây dựng nút giao Đài liệt sĩ; xây dựng mới đường Chu Văn An để kết nối với nút giao thông và mở rộng đường nhánh (quận Bình Thạnh); xây dựng mới hai cầu Ông Dầu bên cạnh cầu cũ trên Quốc lộ 13 (TP.Thủ Đức).
Trong khi đó, theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không thực hiện ở các dự án cải tạo, nâng cấp trên những tuyến hiện hữu. Do đó, việc triển khai các công trình trên, bao gồm kế hoạch mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài liệt sĩ triển khai theo hình thức BOT phải dừng, chuyển sang sử dụng ngân sách.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, TPHCM được áp dụng hình thức BT theo phương án trả chậm bằng ngân sách, thay vì thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như trước. Theo đó, nhà đầu tư dự án BT khi hoàn thành và giao công trình cho thành phố sẽ được thanh toán bằng ngân sách theo thỏa thuận ký kết.