Khi tham gia, các thành viên đều ở tuổi vị thành niên nhưng đã tiêu diệt hàng trăm mục tiêu. Với những thành tích ấy, 3 chiến sỹ của đơn vị được Nhà nước vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), trong đó có Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi.
Bây giờ, chiến tranh đã kết thúc 44 năm, nhưng nhớ lại những ngày chiến đấu ở đơn vị T30, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ngọc Tươi vẫn không khỏi xúc động, nhất là khi nhắc tên những người đã hy sinh.
Đơn vị Trinh sát vũ trang An ninh Bến Tre tách ra thành lập đơn vị F90 với hơn chục chiến sĩ, sau đổi tên là T30, phát triển dần được hơn 40 người, với trọng trách đưa chiến trường vào lòng địch dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Phạm Văn Ty, bí danh Bảy Cường trực thuộc Ban lãnh đạo An ninh Bến Tre.
Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi kể, ngày ấy đơn vị chỉ vài chục người dưới sự chỉ huy trực tiếp của ông Phạm Văn Ty, trong đó lực lượng trực tiếp chiến đấu giữa nội thành rất mỏng nhưng đã đánh nhiều trận trong nội đô khiến địch khiếp sợ. Hồi ấy, khi nhắc tới T30 là giặc bạt vía, kinh hồn. Chúng đã treo giá ai lấy được đầu Bảy Cường sẽ được thưởng 500 triệu đồng, một số tiền cực lớn thời điểm ấy.
Trong hàng trăm trận đánh, lớn nhất là trận đánh vào Trung tâm Thẩm vấn Kiến Hòa. Đây là nơi tra tấn, đánh đập, khai thác đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta bị chúng bắt được, phục vụ cho việc đánh phá vùng giải phóng và kế hoạch bình định cấp tốc.
Vì thế đánh vào Trung tâm Thẩm vấn không chỉ là đánh vào cơ quan đầu não của kẻ địch mà còn tiêu diệt một trung tâm tội ác, một sản phẩm chỉ có dưới chế độ đàn áp của Mỹ - ngụy và trực tiếp chia lửa với chiến trường. Đây là mục tiêu quan trọng số một cần phải tiêu diệt lúc bấy giờ.
Sau thời gian điều tra, nghiên cứu, lập bản đồ chi tiết chuyển về cứ học tập lập trận giả tập luyện nhuần nhuyễn, đêm 12/6/1972, các chiến sĩ chia làm 3 mũi (6 nam, 2 nữ), đột nhập mục tiêu. Phan Thị Ngọc Tươi được phân công trực tiếp chỉ huy trận đánh, kiêm chỉ huy tiểu đội 3 (mũi chủ công).
Đúng 20 giờ, tiếng pháo lệnh vang lên, hàng loạt tiếng nổ của bộc phá, thủ pháo, lựu đạn vang rền, cả Trung tâm Thẩm vấn chìm trong biển lửa, khói bụi mịt mù. Chỉ trong vài phút, nhiệm vụ đánh Trung tâm Thẩm vấn đã hoàn thành. Nhưng khi cả đội chưa kịp rút thì địch đã bao vây tứ phía. Để tránh tổn thất đến mức thấp nhất, Ngọc Tươi cùng tiểu đội 3 ở lại thu hút địch về phía mình, đánh lạc hướng cho 2 tiểu đội còn lại rút lui.
Bà Tươi bảo rằng, nếu hôm ấy quả lựu đạn không thối thì bà đã hy sinh rồi. Khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, biết không thể thoát được, nếu kéo dài tình trạng chiến đấu mất cân xứng như vậy sẽ gây tổn thất lớn, Ngọc Tươi lệnh cho 1 chiến sĩ rút lui, còn mình và một chiến sĩ nữa là Tám Chiến ở lại chặn đường.
"Tôi ném nốt quả thủ pháo cuối cùng, sau đó tôi lượm đá ném ra, giằng co với địch được chốc lát thì chúng hét "Nó hết đạn rồi, bắt sống". Chúng tràn vào, tôi đưa chân đạp băng Chiến ra xa, rồi hai tay tôi chụp 2 quả lựu đạn còn lại... nắm chặt trong tay, giấu vào áo. Lúc này đèn điện đường phố tranh tối, tranh sáng, bọn địch chưa hết kinh hoàng...
Chúng nhào vô đấm đá tới tấp và quật tôi ngã xấp, rồi hai thằng nắm hai chân tôi, lôi xấp ngược trên đường. Tôi cố lần tay lên, cắn, rút chốt cả 2 quả lựu đạn và chờ. Lôi chán, chúng dừng lại, nắm đầu tôi dựng dậy. Vừa đứng lên, tôi vung tay, bọn chúng la lên, dạt ra, tôi ném một quả về phía chúng và chạy, được vài bước tôi ngã khuỵu, không ngờ sức mình lại cạn kiệt nhanh như vậy.
Sau tiếng nổ, bọn còn sống sót đuổi theo, bắt lại. Một thằng giương súng lên nhằm vào tôi, ngay tức khắc một thằng khác nhào vô đá nghếch nòng súng, loạt đạn bay lên. Nó quát "Bắt sống để khai thác". Chúng lại nhào vô đấm đá tới tấp, rồi nắm chân tôi lôi xấp ngược trên đường, lôi một lúc chúng buông tôi ra, xúm quanh. Trong khoảnh khắc ấy tôi quyết định chia đôi với địch.
Đang nằm như xác lạnh tanh, tôi vụt đứng thẳng lên, giơ ra trước mặt quả lựu đạn cuối cùng đã được rút chốt, chúng chưa kịp phản ứng, tôi mở tay, nhiếp bung ra quay một vòng, tôi buông, quả lựu đạn rơi ngay xuống chân, nhưng nó không nổ. Sau khi hoàn hồn, bọn chúng đá xấp rồi tiếp tục nắm chân tôi lôi vào Bộ chỉ huy Cảnh sát quốc gia", bà Tươi bồi hồi nhắc lại chuyện cũ.
Những ngày sau đó là liên miên những trận đòn tra tấn. Dùng mọi thủ đoạn, hết nhục hình tra tấn đến dụ dỗ nhưng chúng không có cách nào lung lạc được tinh thần và ý chí của "con nhỏ Việt cộng" nhưng vẫn không moi được thông tin gì.
Ít lâu sau chúng đày Phan Thị Ngọc Tươi cùng một số tù nhân tuổi vị thành niên "ngoan cố" ra "Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt" - một nhà lao trá hình của Mỹ - ngụy. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, vì dư luận quốc tế, địch buộc phải giải tán nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tất cả tù nhân tại đây, một số tù nhân nam lớn tuổi hơn bị chúng ép đôn quân, số còn lại chúng thả ra. Chúng thả Phan Thị Ngọc Tươi ra rồi cho mật thám bám 24/24 giờ.
Với thương tích đầy mình, đơn vị lệnh cô về nhà ngoại tại Sơn Hòa để có điều kiện trị bệnh và tạo thế hợp pháp lâu dài tiếp tục hoạt động. Thấy tình hình không ổn, khi nhử ta không thành công, chắc chắn chúng sẽ bắt lại nên Ngọc Tươi xin lệnh rút và được lãnh đạo đồng ý. Ra vùng giải phóng, vừa chống chọi với bệnh tật, Ngọc Tươi vừa học và công tác tại quân y dã chiến Ty An ninh cho đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Năm 1983, Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi tốt nghiệp Đại học An ninh, sau đó tốt nghiệp cử nhân báo chí rồi về công tác tại Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu. Hiện mặc dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn tác nghiệp báo chí. Bà dành phần lớn thời gian viết về đất nước và con người...
Một ngày cuối tháng 3, tôi gặp Đại tá Phan Thị Ngọc Tươi khi bà và một số đồng đội ở đơn vị T30 ngày nào về nguồn, ra Hà Nội viếng Lăng Bác. Khi hỏi về nghĩa tình đồng đội, đang vui bỗng giọng bà buồn xa xăm: "Hiện tôi còn nặng nợ nhiều lắm, tôi vẫn luôn tìm kiếm những ân nhân từng giải vây cho tôi trong những trận đánh hồi kháng chiến giữa Sài Gòn.
Riêng trận đánh vào Trung tâm Thẩm vấn thì tôi không thể quên hình ảnh của hai tiểu đội trưởng giành hy sinh cho tôi được sống lúc Thủ trưởng T30 cùng tôi và hai tiểu đội trưởng Văn Trãi và Văn Năm ngồi lại bàn tới nhiệm vụ thứ hai "sau trận đánh phải có một mũi thu hút địch về phía mình, đánh lạc hướng cho các mũi còn lại rút lui" thì Trưởng mũi 1 Văn Năm và trưởng mũi 2 Văn Trãi đều giành ở lại thu hút địch về phía mình, chặn địch cho tôi được sống.
Lúc đó tôi đã được 2 anh bầu là chỉ huy trưởng trận đánh, tôi quyết: "Sau trận đánh, Ngọc Tươi cùng mũi 3 ở lại chặn địch, các tiểu đội 1 và 2 rút, không bàn cãi nữa vì cánh 3 có 2 nữ dễ qua mắt địch...". Và thủ trưởng T30 chuẩn y. Vậy mà sau cuộc họp, các anh cứ theo trách Ngọc Tươi hoài... Tôi chặn địch cho các anh rút an toàn, tôi bị địch bắt, khi tôi quay về thì các anh đã hy sinh trong trận khác".
Trong lúc trò chuyện thì ông Cao Văn Trung đến. Từng cùng nhau chiến đấu trong đơn vị T30, nhưng giữa bà Tươi và ông Trung còn một mối "duyên nợ" liên quan tới quả lựu đạn cuối cùng của bà Ngọc Tươi định chia đôi với địch không nổ trong trận đánh vào Trung tâm thẩm vấn Kiến Hòa.
Nhắc chuyện xưa, bà Tươi kể anh Hai (Cao Văn Trung) đánh địch thì ra đánh, bị thương nặng phải về sản xuất vũ khí, nhưng làm gì chắc nấy. Trái của anh làm chưa bao giờ bị lép, vậy mà trái duy nhất em chia đôi với giặc bị lép chắc do ý trời nên khiến anh gắn phải kíp bị ẩm nên không nổ.
Vì thế, ngày hòa bình, gặp lại người nữ đồng đội còn sống sau những năm tháng bị giam cầm, câu đầu tiên ông Cao Văn Trung hỏi là: "Anh không cho em làm liệt sỹ, em có giận anh lắm không?". Ngọc Tươi cười vui: "Ngày ấy em giận lắm vì trái đạn lép làm hỏng mất kế hoạch của em. Giờ hóa ra anh có công lớn".
Nhắc lại chuyện xưa, ông Trung cười hiền: "Anh còn nợ em ân tình lần anh bị thương nặng được em cứu mạng nhớ không? Hồi đó không có em thì anh xanh cỏ rồi. Em cũng không cho anh làm liệt sĩ mà. Tại trời không cho anh em mình chết đó thôi. Nếu trái đạn anh tặng em mà nổ thì giờ làm gì còn Ngọc Tươi để lo cho anh em T30 có nhà cửa ở và hôm nay còn được em dắt đơn vị về nguồn... Nhờ anh không cho em chết nên nay cả đơn vị mới có được một chuyến đi lịch sử thế này...".
Bà Tươi cho biết, những năm qua bà đã đi vận động nhiều nơi để làm gần 30 ngôi nhà cho những người đồng đội. Với những chiến sĩ T30 ngày nào, tình đồng đội mãi mãi là tình cảm thủy chung và thiêng liêng.